Trà Lũ xã chí - Nguồn tưu liệu quý về lịch sử, văn hóa làng

Sách địa phương chí là một nguồn tài liệu quý cung cấp cho bạn đọc những tư liệu phong phú về lịch sử, văn hoá, chính trị, tự nhiên... của một vùng đất cụ thể. Thường loại sách này vừa thể hiện những đặc điểm riêng của địa phương, vừa mang nội dung xã hội, thời đại và có tính giáo dục cao.
"Xã có xã chí, như nước có lịch sử vậy. Lịch sử một xã bao gồm: tình hình chính trị khi mạnh khi yếu từ trước đến nay, các luật lệ, mọi phong cách, trải qua các triều đại đem viết ra nối tiếp, tìm hiểu đất đai từ khi mới lập ấp, các nhân vật tiêu biểu của các dòng họ, các phong tục tốt đẹp để ghi chép lại. Xã cần phải có xã chí. Đó là điều không thể thiếu được." (Lời nói đầu trong Trà Lũ xã chí của Lê Văn Nhưng).
Trà Lũ xã chí (sách chữ Hán của Lê Văn Nhưng soạn năm 1915) là một trong số hiếm hoi sách xã chí thời phong kiến ở Nam Định còn đến ngày nay. Sách viết ngắn gọn nhưng đầy ắp tư liệu về lịch sử làng Trà Lũ (Lập ấp, Phân thôn, Phân trại, Quy khu), tình hình ruộng đất, nghề nghiệp chính của dân làng, chính sách nhà nước (Binh đinh, Thuế  khoá...), di tích, văn hoá, phong tục, tín ngưỡng (Đền miếu, Cổ tích, Tế lễ, Thiên chúa giáo...), nhân vật tiêu biểu của làng (Võ phiệt, Dũng lực, Khoa phổ, Hào phổ, Xử sĩ, Tôn sư, Thích tôn, Y tông, Hiền phụ, Nghiệt phụ...)
Làng Trà Lũ ra đời và có tên trong tài liệu lịch sử từ năm 1533. Tên Trà Lũ do những người đầu tiên từ làng Phượng Lũ (Hưng Yên) đến khai phá vùng ven biển Giao Thuỷ (Nam Định) lập làng tự đặt để ghi nhớ nguồn gốc quê quán của mình. Theo vị trí địa dư mà 3 thôn lần lượt ra đời : thôn Đông ở phía đông làng, thôn Bắc ở phía bắc làng, thôn Trung ở giữa làng. Ban đầu thôn Trung có 4 họ, họ Trần đến trước rồi đến các họ Phạm, Hoàng, Lưu. Thôn Bắc, họ Bùi đến trước rồi đến các họ Vũ, Đỗ, Nguyễn, Mai, Lê. Thôn Đông, họ Phan đến trước rồi đến các họ Lê, Hoàng, Phạm, Đỗ, Bùi, Khổng. Trong từng thôn lại chia ra các xóm. Sách thống kê đầy đủ tên gọi và sự thay đổi địa danh, địa giới từng xóm qua các thời kỳ lịch sử.
Ban đầu toàn xã dùng chung một con dấu, cùng một địa bạ. Sau số đinh tăng, thuế sưu tăng theo, năm Thành Thái 1 (1889) mới tách chỉ bài riêng cho từng thôn. Cuối thời Tự Đức (1848 - 1883), dân số theo đạo Thiên chúa giáo tăng (tỷ lệ lương giáo ở thôn Trung là 3/1, thôn Đông 2/1, thôn Bắc 11/1), giáo dân từng thôn tự lập ra các giáp riêng (thôn Trung lập giáp Lạc Đạo, thôn Bắc lập giáp Nam Cường...). Giáo dân các giáp đã đề nghị sát nhập lại thành thôn Đoài. Thực chất thôn Đoài không theo địa dư làng, nó bao gồm giáo dân ở rải rác trong cả ba thôn Trung, Bắc, Đông. Chính quyền thôn Đoài vừa có tính chất nhà nước, lại vừa là bộ máy tự quản của giáo dân.
Năm 1820 thành lập xóm Nam Điền (sau đổi là trại) phụ thuộc thôn Trung, là vùng ruộng đất cấp cho binh lính cày cấy. Sau do chính quyền quản lý lỏng lẻo, số ruộng tăng nhiều, sinh ra kiện tụng trong dân kéo dài. Năm 1890 dân trại Nam Điền xin con dấu riêng, tách khỏi Trà Lũ, thành lập xã Nam Điền.
Năm Duy Tân 9(1915), ba thôn Trà Lũ tách thành ba xã là Trà Trung, Trà Đông, Trà Bắc. Thôn Đoài nghiễm nhiên bị xoá bỏ vì được chia theo địa dư các thôn Trung, Bắc, Đông. Đến đây, làng Trà Lũ chính thức chia thành 4 xã là Nam Điền (nay là xã Xuân Vinh), Trà Bắc (nay là xã Xuân Bắc), Trà Trung (nay là xã Xuân Trung), Trà Đông(nay là xã Xuân Phương) đều thuộc huyện Xuân Trường ngày nay.
Tình hình biến động ruộng đất của Trà Lũ qua các thời kỳ lịch sử được ghi chép khá chi tiết. Trà Lũ có ruộng đất ở 30 xứ đồng. Số liệu ruộng đất Trà Lũ thời Quang Trung và Gia Long gồm: công điền 1.111 mẫu 5 sào, Thần tự và Phật tự 55 mẫu. Đến năm Minh Mệnh 10 (1829) công điền là 835 mẫu, Thần tự và Phật tự  55 mẫu 2 sào, thổ trạch 882 mẫu 5 sào. Năm Thành Thái 1 (1889) người Pháp đo đạc bằng thước mét, vẽ bản đồ, điền thổ Trà Lũ là 1.707 mẫu. Theo chỉ bài trước bạ năm 1915, thôn Trung có 302 mẫu ruộng và 282 mẫu thổ, thôn Bắc có 445 mẫu ruộng và 285 mẫu thổ, thôn Đông có 86 mẫu ruộng và 95 mẫu thổ, thôn Đoài có 180 mẫu ruộng và 153 mẫu thổ.
Tác giả không đơn thuần thống kê số liệu đất đai, mà còn cho ta biết quá trình lao động vất vả của nông dân, tình hình chính trị xã hội qua các vụ kiện tranh chấp ruộng đất giữa nhân dân với nhân dân, giữa xã với các xã lân cận, chính sách thuế khoá, cai trị hà khắc của thực dân và sự tham nhũng của quan lại thời phong kiến. Chẳng hạn, theo lệ cứ ba năm cấp lại ruộng, sau khi cấp mà có người chết thì đinh đến tuổi mới được điền vào, có khi hai đinh mới được một suất ruộng. Dân đinh đến tuổi mà không còn ruộng cấp thì vẫn phải đóng thuế khống cho lý dịch. Trước thuế công điền nặng hơn thuế tư điền, từ năm Thành Thái 13 (1901) công tư điền được đánh thuế chung. Năm 1889 thuế ruộng loại 1 là 1,35 đồng/ mẫu, ruộng loại 2 là 1,04 đồng / mẫu, ruộng loại 3 là 0,70 đồng / mẫu. Thuế binh điền và tư điền đều đổ vào đầu nông dân, mỗi mẫu phần điền phải gánh thuế thành 10 mẫu. Ai không đủ tiền nộp thuế phải bán nhà đất để bù vào. Ngoài thuế ruộng, thuế sưu, nông dân còn phải chịu nhiều thứ thuế khác như thuế đò 0,215 đồng / đinh / năm, thuế đò chợ... Số ruộng ở Trà Lũ phần nhiều cấp cho binh lính nên dân đinh chỉ còn 1 sào 5 thước cho mỗi người. Nhiều người phải bỏ quê đi khai hoang ở Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình).
Nghề chính của dân Trà Lũ là buôn bán, thông thương chủ yếu bằng đường sông biển, từ Trà Lũ đi Thanh Hoá và khắp các tỉnh Bắc Kỳ. Làng thuyền Trà Lũ xưa có nhiều hàng vạn nổi tiếng như : hàng vạn bằng thuyền nan, hàng vạn bằng thuyền đinh, hàng vạn là thuyền mành, thuyền cóc. Mỗi hàng vạn đều có trưởng vạn phụ trách. Hàng hoá chủ yếu là vật liệu xây dựng, cói chiếu... Ngoài ra ở làng còn có nghề sơn, nghề mộc, nghề làm vàng mã.
Cuộc sống của nhân dân Trà Lũ dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp và phong kiến vô cùng cơ cực. Mỗi khi quan triều đình về tuyển lính, "đuổi bắt dân chẳng khác gì đuổi bắt gà vịt". Thời Duy Tân (1907 - 1918) mỗi năm làm đinh bạ một lần, cấp thẻ tuỳ thân mỗi năm một màu. Ai không có thẻ, không giám đi đâu xa. Không chịu nổi cảnh sống sưu cao thuế nặng, người Trà Lũ đã chủ động đón nghĩa quân Phan Bá Vành về đóng căn cứ ở làng. Trà Lũ trở thành đại đồn nổi tiếng của khởi nghĩa Phan Bá Vành. Trên lập trường tư tưởng giai cấp phong kiến, tác giả đã liệt Phan Bá Vành vào mục Kiếp tai. Tác giả viết về Phan Bá Vành một cách sơ lược nhưng cũng đủ cho bạn đọc thấy sức mạnh của cuộc khởi nghĩa và chân dung của vị lãnh tụ nông dân này:
"Phan Bá Vành thường gọi là Ba Vành, người làng Minh Giám, phủ Kiến Xương, có sức khoẻ phi thường, thường phóng đao giết một trăm người không sót một ai"... " Xã ta có nhiều người giỏi võ đi theo Ba Vành như Nguyễn Hổ, Trần Văn Đáng tức Hai Đáng, Trần Bất Hựu, Trần Vân... đã bí mật đưa quân Phan Bá Vành về đóng ở Trà Lũ, Phú Nhai làm căn cứ chống lại quan quân nhà Nguyễn. Thế lực Ba Vành rất mạnh (1821 - 1826)"... Sau khi cuộc khởi nghĩa bị thất bại, quan quân nhà Nguyễn đã trừng phạt dân làng, "xã ta bị triệt hạ gần sạch vào ngày 15 tháng 12 năm Đinh Hợi (1827)".
Trong phần nhân vật chí, võ phiệt và dũng lực được tác giả đưa lên đầu và viết khá chi tiết với giọng văn tự hào về truyền thống quê hương. (Tác giả là người Trà Lũ, đỗ Cử nhân 1856). Trà Lũ vốn nổi tiếng trong lịch sử về võ và đấu vật.
Đô chỉ huy sứ Trần Bá Khoản (đầu thế kỷ 18) người thôn Trung, tinh thông võ nghệ, sức khoẻ phi thường. Vũ khí ông thường dùng là cây đao cán liền bằng sắt luyện, lưỡi to như tàu lá chuối, phải hai người mới khiêng nổi. Ông từng bỏ của nhà ra 8 vạn quan tiền nộp thuế cho cả làng. Ngày nay nhân dân xã Xuân Trung vẫn còn đền thờ ông.
Đặc biệt kỹ xảo đấu vật của các đô Trà Lũ đã nổi tiếng khắp Bắc Kỳ, vang vào tận Huế. Họ Trần có ông Trần Ba là người nổi danh tài vật. Ông hay đẩy thuyền đi ngao du thiên hạ và thường đem theo bao vật. Có lần đến Bắc Ninh, gặp dịp một làng đang có hội vật, ông vào xem. Đô lực sĩ của địa phương tên là Ngật đang giữ giải nhất, gần kết thúc hội mà chưa có đối thủ. Ông Ba xin được vuốt giải nhất. Nhân dân địa phương rất trọng vọng, mời ông ngồi lên bục đối diện với đô Ngập. Đô Ngập gườm gườm nhìn ông, tay vê vê tà áo chợt bắt được con rận bèn để lên án thư giết đi. Ông Ba thấy lá rụng xuống chiếu, chép miệng thổi chiếc lá bay vù. Đô Ngập xưng hiệu là Bè Cạn (ý nói vững như cái bè mắc cạn). Ông Ba xưng hiệu là đô Trà Lũ (ý nói mạnh như nước lũ). Đô Ngập không chịu đấu nếu ông Ba chưa thắng nổi đàn em của hắn. Ông Ba miễn cưỡng phải vật với đô đàn em của đô Ngập. Chưa đầy một hiệp, ông Ba đã ném đối thủ qua dóng vật. Đô Ngập tức giận đứng bật dậy, tay dứt đứt hàng cúc áo. Thấy hai đô có ý đánh hiểm, dân làng yêu cầu phải làm cam đoan và hứa sẽ đứng ra bảo hiểm cho ông Ba (vì ông là người nơi khác tới). Vào giao đấu, hai đô quấn lấy nhau, ra đòn như rồng bay, phượng múa, hổ gầm, ngựa đá, voi dày... trông thật là dũng mãnh. Gần hết hiệp đấu, đô Ngập biết mình khó có thể thắng đối phương, bèn nằm bò, hai tay bám chắc rễ cây giữ thế. Ông Ba thét lên một tiếng rồi bốc người đô Ngập, kéo theo cả gốc cây lớn, ném ra ngoài đấu trường. Người xem kinh ngạc, hoan hô vang dậy.  Đô Ngập sai bộ hạ mai phục định hại ông. Ông nhờ dân làng khênh giải xuống thuyền, một mình vác một cây cau đi sau bảo vệ. Bộ hạ đô Ngập sợ quá chuồn mất.
Hầu hết các đô nổi tiếng như Ba Hầm, Trần Bất Hựu, Phan Ba, Phan Mã, Trần Diễn, Phan Khánh, Hai Đáng, Đỗ Thị Hinh... đều là các vị tướng lĩnh trong cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành và hy sinh trong trận quyết chiến cuối cùng của nghĩa quân.
Hai Đáng là Chưởng tả quân của Phan Bá Vành. Ông có sức khoẻ hơn người, võ nghệ tài ba, khiên đao lừng lẫy, sở trường bơi lặn. Nơi nào gặp nguy khốn, Phan Bá Vành thường cử Hai Đáng đến cứu nguy và làm chỗ dựa tinh thần cho nghĩa quân. Trong trận chiến cuối cùng (1827), Phan Bá Vành bị thương nặng vào chân. Hai Đáng đã cõng chủ tướng chạy thoát ra ngoài vòng vây, rồi trở lại tiếp tục chiến đấu và hy sinh. Sách Trà Lũ xã chí đã viết về Hai Đáng như sau:
         "Hai Đáng cõng Phan Bá Vành chạy băng băng trên ruộng lầy, hai giải khố của ông bay thẳng căng về sau không lúc nào chùng."
Nhân dân Trà Lũ vô cùng cùng tự hào về Hai Đáng. Trong bài vè ca ngợi Phan Bá Vành có câu:
                         Vua Ba Vành trị nước lên ngôi,
                         Trà Lũ chúng tôi có ông Hai Đáng.

Bà Vũ Thị Hinh, vợ của Hai Đáng cũng là nữ tướng lo hậu cần cho nghĩa quân Phan Bá Vành. Bà rất giỏi võ. Bà đã chém chết tên phản bội khi tên này thúc trống báo hiệu cho quân triều đình biết lúc nghĩa quân tiến từ Thái Bình sang Trà Lũ. Có lần đi chợ, bị 4 tên đàn ông trêu ghẹo, bà vung gươm giết chết cả 4 tên. Sau khi khởi nghĩa Phan Bá Vành thất bại, không thấy tăm tích bà đâu.
Đô Vũ Tân, người thôn Bắc, khoẻ như hổ, khi xuống tấn thì vững như trái núi, thường kiệu trên vai 4 người, đi lại như không. Ông từng thắng nhiều đô vật của các lò vật nổi tiếng thời đó như Hà Nạn, Đặng Xá, Hào Kiệt... Một lần làng Hà Nạn tổ chức hội vật, có một đô giữ giải nhất đã mấy ngày mà chưa có ai giám giao đấu. Khi thao diễn, đô này rê hai chân dũi đất như hai luống cày. Đứng ngoài xem thấy thế, Vũ Tân liền vỗ vào róng tre làm các đốt tre nổ bôm bốp rồi nhảy vào vuốt giải. Hỏi ra biết là đô Tân, mọi người liền vui vẻ nhường giải nhất cho ông, không đô nào dám đấu.
Một lần vì chủ quan mà thua một keo vật, đô Tân bực lắm. Nghe nói vùng Bắc Ninh có đô Voi Cái rất giỏi vật, ông liền tìm đến xin học. Khi tới nơi, gặp con mương vừa rộng vừa sâu, ông nhún mình nhảy phắt qua. Chợt thấy một người đàn bà ôm con bê cũng nhảy qua mương, ông biết chắc nơi đây lắm người tài cho mình học hỏi. Ông tìm vào nhà đô Voi Cái, hoá ra chủ nhân chính là người đàn bà ôm con bê nhảy qua mương. Khi ông ngỏ lời xin học vật, chủ nhà bảo: "Ông đã tới đây thì hãy ăn cơm đã rồi nói chuyện học vật sau." Nói rồi chủ nhân lấy gạo đủ thổi nồi ba cơm. Ông cười bảo: "Tôi tuy đi đường xa có hơi mệt, nhưng chỉ có từng ấy gạo thì chẳng khác nào cho voi uống thuốc gió." Nói xong ông cởi bao gạo của mình đổ ra đủ thổi nồi bảy cơm. Khi một mâm cơm thịnh soạn được bưng ra, ông ăn hết trơn. Thấy chủ nhân muốn chuyển cái cối đá đi chỗ khác, ông bèn nhấc cối lên, liệng một cái, cối đá rơi đúng nơi quy định.
Thời Tự Đức, có quan Thống chế tên là Nhật, mỗi bữa ăn hết một con lợn, hai mâm sôi, là người giỏi võ nghệ, thường không có địch thủ. Có người hỏi: "Thống chế có thích đấu vật không?" Thống chế bảo: "Hay lắm!" Người đó bèn mời đô Tân giao đấu. Mới được vài hiệp, đô Tân thừa cơ bốc cẳng đặt Thống chế vào cái bể cạn trước dinh, nhẹ nhàng như đặt một em bé.
Vũ Tân truyền nghề cho cháu ngoại là Phan Khánh. Phan Khánh có sức khoẻ, có đức, thông minh nên chẳng bao lâu đã tinh thông 18 ban  võ nghệ, sở trường kiếm thuật, kỹ xảo vật đạt đến độ điêu luyện, độc đáo. Phan Khánh thường đi biểu diễn vật khắp Bắc Kỳ, tiếng tăm vang lừng đến kinh thành. Thời Gia Long ông làm Đội trưởng quân doanh. Sau ông theo Phan Bá Vành khởi nghĩa. Có trận quân triều đình thúc voi tiến lên, quân khởi nghĩa tan vỡ phải bỏ chạy. Một mình Phan Khánh, hai tay cầm hai kiếm, dũng mãnh chém đứt vòi voi làm voi phải bỏ chạy. Nghĩa quân quay lại tấn công, chuyển bại thành thắng.
Khi xưa Trà Lũ là vùng đất ven sông biển, sình lầy, lau sậy um tùm, đi lại chủ yếu bằng đường sông nước. Người dân Trà Lũ phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt và thường xuyên phải chiến đấu chống giặc phỉ, bảo vệ làng. Hoàn cảnh sống đòi hỏi họ phải có sức khoẻ, tinh thông võ nghệ để tồn tại. Vì thế, người Trà Lũ rất coi trọng võ. Thông thường, thời phong kiến văn được coi trọng hơn võ. Sách đăng khoa lục về văn (thi hương, thi tiến sĩ) có khá nhiều, sách viết về thi võ lại rất hiếm. Trong thực tế, triều đình phong kiến cũng tỏ ra trọng văn hơn võ. ở Trà Lũ, cả văn và võ đều được coi trọng, có khi võ còn được trọng hơn văn. Đó là nét riêng của Trà Lũ. 
Trà Lũ không có những nhà giáo nổi tiếng, nhưng tục lệ Trà Lũ lại rất chú trọng giáo dục. Hương ẩm Trà Lũ chia cỗ làm 4 loại, những người có học vị từ Tú tài trở lên được hưởng cỗ cao nhất. Nhân dân Trà Lũ đã đón nhiều nhà giáo có tài đức về dạy học như Phó bảng Đặng Đức Địch, Tuần phủ Nguyễn Túc, Đốc học Vũ Mô... Trà Lũ có 9 người đỗ Hương Cống, Cử nhân và nhiều Tú tài từ thời Lê đến Nguyễn là biểu hiện kết quả của tinh thần tôn sư trọng đạo của dân làng.
Về tín ngưỡng, tôn giáo, Trà Lũ có hai tôn giáo chính là Thiên chúa giáo và Phật giáo. Nơi đây là điểm đến sớm và điển hình của Thiên chúa giáo, nơi có nhà thờ Phú Nhai to nhất Đông Dương. Trong mục Thích tôn, tác giả cung cấp cho bạn đọc tiểu sử các nhà sư tiêu biểu của Trà Lũ là Đào Canh, Đào Phú, Quang Tuệ, Bích Liên, Đỗ Quang Minh, Đỗ Hiệt. Cuộc đấu tranh tư tưởng trong các dòng họ ở Trà Lũ, giữa Thiên chúa giáo và Phật giáo diễn ra âm ỉ, lâu dài cũng được toát ra ở chỗ này hay chỗ khác trong sách.
Lễ hội ở Trà Lũ diễn ra hàng năm, sau ba năm một lần vào mùa xuân các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Năm nào mất mùa thì hoãn lại. Làng mở đám ở thôn Đông. Toàn xã dựng cổng chào, cột cờ, kéo đèn ven sông, rước thần và các tổ họ vào đám. Đền thôn Trung thờ Phan tôn thần, đền thôn Bắc thờ Đương cảnh Thành hoàng Huệ Chân Công Chúa, đền thôn Đông thờ Đương cảnh Thành hoàng Linh Long tôn thần, từ đường các họ thờ các vị thuỷ tổ lập nghiệp, lập làng. Đám rước thần và bát hương thờ tổ tiên từ các thôn về đền thôn Đông thật đông vui, thu hút hầu hết dân thôn tham gia. Trong đám rước có kiệu thần, bát hương thờ tổ, cờ xí các loại, lễ vật, sản phẩm nông nghiệp... Vật tế là trâu hoặc bò do thôn sở tại đài thọ. Khi chia phần thì chủ nhường khách rất là văn hoá. Hội thường diễn ra từ 3 đến 5 ngày với các trò vui, hát chèo, đấu võ, đấu vật, bơi trải, chèo đò, cờ tướng... Hội làng là nét đẹp văn hoá để con cháu nhớ công ơn tiên tổ, là dịp con cháu các dòng họ thắt chặt thêm tình máu mủ, tình làng xóm và được hoà mình vào sinh hoạt văn hoá truyền thống của quê hương.
Trà Lũ xã chí là một cuốn sách có nhiều tư liệu quý về nhiều mặt của một vùng đất điển hình ở Nam Định. Phương pháp biên soạn có phần sơ lược nhưng lại đầy dữ liệu và số liệu chính xác mà nhiều sách lịch sử xã phường ngày nay ít khi đạt được. Thái độ của tác giả thể hiện rõ trong giọng văn, trong các đề mục cụ thể, ca ngợi người có công, học giỏi, làm vẻ vang cho làng, phê phán người làm trái đạo đức truyền thống của cha ông. Vì thế Trà Lũ xã chí có tính giáo dục cao. Những nhà lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên ngành địa phương khó mà làm tốt nhiệm vụ của mình khi không thấu hiểu về địa phương mình công tác. Trà Lũ xã chí là một trong số những tài liệu quý hiếm rất cần cho bạn đọc.    
                                                                                                                  TRẦN MỸ GIỐNG           


Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 23
Hôm nay : 814
Tháng hiện tại : 131855
Tổng lượt truy cập : 1701450
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html