Sông Vị Thành Nam ngày xưa ở đâu?

Sông Vị ở đây là sông Vị Hoàng của Nam Định. Nói tới Nam Định là người ta thường nhắc tới “non Côi - sông Vị” cũng như “núi Thuý - sông Vân” của Ninh Bình, “núi Đọi - sông Châu” của Hà Nam, “núi Nùng - sông Nhị” của Hà Nội...

Núi, sông là biểu tượng âm dương, là cội nguồn của sự biến hoá. Vì thế người đời cho rằng: núi - sông là biểu hiện sự trường tồn của một vùng lãnh thổ hay là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trong thành ngữ “non Côi - sông Vị” ai cũng hiểu non Côi là núi Gôi (ở huyện Vụ Bản - xưa là Thiên Bản). Còn sông Vị là con sông chảy qua làng Vị Hoàng nên có tên là sông Vị, nhưng nay sông Vị ra sao ít người biết đến.

Dòng Vị Hoàng chảy bên phía đông thành Nam (thời Lê gọi là Quân doanh Vị Hoàng). Thời Nguyễn, làng Vị Hoàng thuộc tổng Đông Triền, sau đổi thành tổng Đông Mặc, huyện Mỹ Lộc, trấn Sơn Nam Hạ. Sông Vị là một nhánh của sông Vĩnh Giang bắt nguồn từ sông Châu Giang thông ra sông Hồng, thời xa xưa dòng sông chảy qua một vùng gọi là Dương Xá. Từ đất Dương Xá (Tư Nông châu) đã hình thành nhiều làng.

Một con ngòi chảy từ Chùa Cuối (phía nam sân vân động Thiên Trường hiện nay) đổ vào sông Vị làm ranh giới giữa làng Đông Mặc với làng Vị Hoàng. Phía đông bắc từ nhà thờ Thiên chúa Phụ Long theo đường Đồng Tháp Mười tới đường Phù Nghĩa là làng Phụ Long. Dòng sông Vị chảy qua đã chia làng Vị Hoàng thành hai phía. Bên hữu, ở trên là thôn Hậu Đồng rồi đến thôn Thi Thượng. Thi Thượng có xóm Thạch Kiều (vì muốn vào xóm phải qua một trong 5 chiếc cầu đá đẹp thơ mộng, nên có tên Thạch Kiều – nay là khu vực đình Vị Xuyên – Chùa Cả). Dân Thi Thượng giầu có, khi có quân doanh Vị Hoàng thì mở thành phố xá, dựng nhà theo bờ hữu ngạn sông Vị. Đó là các phố Hàng Cót, Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song (nay là Minh Khai). Đất từ Hàng Sắt xuống Bến Ngự tới chợ Đò Chè ra Hàng Lọng, Hàng Dầu là thôn Thi Hạ. Phía đông (tả ngạn dòng sông Vị) là thôn Khoái Đồng.

Vào thời Hậu Lê có ông Trần Oánh con danh tướng Trần Lựu về vùng đất phía tây nam Dương Xá lập ra trại Năng Lự. (Đi qua trại Năng Lự mới tới thôn Lộng Đồng của làng Vị Hoàng). Sau dân cư trại Năng Lự trở nên đông vui lập thành làng Năng Lự. Vào triều Hậu Lê khi lập ra các tổng, thì làng Vị Hoàng gồm các thôn Hậu Đồng, Thi Thượng, Thi Hạ, Khoái Đồng, Lộng Đồng thuộc tổng Đông Triền. Trại Năng Lự khi ấy đã thành làng, không muốn phụ thuộc vào Vị Hoàng, nên Năng Lự xin thuộc tổng Mỹ Trọng. Thời Thiệu Trị đổi tên Năng Lự thành làng Năng Tĩnh. Làng Vị Hoàng (tên nôm là Lềnh) cùng với làng Phù Long (tên nôm là Trùm) thành xã Vị Hoàng thuộc tổng Đông Mặc. Khi Trần Bích San đỗ Hoàng Giáp (năm 1865) biết quê Tam nguyên là làng Vị Hoàng, vua Tự Đức bắt đổi Vị Hoàng thành Vị Xuyên (do phạm huý chúa Nguyễn Hoàng). Dòng sông Vị khi ấy vẫn chảy qua làng Vị Hoàng. Sau khi công giáo mua đất ở thôn Khoái Đồng xây nhà thờ Khoái Đồng, họ còn mua luôn đất, nơi có phủ thờ bà Dương Thị Mỹ vợ ông Đoàn Thượng (xây trường Sanh Tô Ma nay là trường Nguyễn Khuyến), rồi xây chủng viện Lý Đoán (nay là trường học Nguyễn Văn Cừ). Phủ Khoái Đồng chuyển về nơi đầu phố ngã ba Nguyễn Du, Hùng Vương hiện nay. Thời ấy dân Khoái Đồng muốn sang Thị Thượng, Thi Hạ phải qua bến đò Bích Câu (chỗ thư viện tỉnh sang gốc đa hàng Sắt Dưới hay đò Bến Ngự trên sông Vị

Sau khi chiếm Nam Định bọn Pháp bạt thành (1893 - 1894) làm đường, dựng phố, cho lấp sông Vị, đoạn sông phía sau phố Hàng Nâu, Hàng Bát, Hàng Mâm bị lấp vào năm 1913, dân buôn bè luồng, tre, nứa chuyển ra phố Nam Xuyên nên gọi phố ấy là phố Giá Nứa (phố Nguyễn Trãi). Đến năm 1917 thì đoạn sông Bến Ngự đến gốc đa hàng Sắt bị lấp, lập ra kho hàng Hòn Gai, một đoạn để người Hoa lập trường học Hoa kiều, nay là trường Nguyễn Văn Trỗi. Đoạn giáp với phố Cửa Đông thì xây trường Thành Chung với ngôi mộ giả của Carô. Ba năm sau (1920) lấp hết đoạn sông còn lại (nay là đường Nguyễn Du đoạn từ Thư viên tỉnh đến Mạc Thị Bưởi). Sông Vị Hoàng không còn từ đấy

Thi sĩ của “Non Côi sông Vị” Tú Xương, nhà ở phố Hàng Nâu đã gọi dòng sông Vị là: Sông Lấp và có thơ rằng:

Sông kia rày đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Trong bài: Vị Hoàng hoài cổ nhà thơ viết:

Nô nức qua chơi thú Vị Hoàng
Này nơi phong vận, đất nhiều quan
Trời kia khiến vậy sông nên bãi,
Ai khéo xoay ra phố nửa làng

Thế là sông Vị không còn nữa, nhưng vẫn sống động trong thơ văn của người thành Nam. Thập niên 60 của TK.XX bên dòng sông lấp (Vị Hoàng) ấy đã xây ngôi trường Lê Hồng Phong. Xem ra lịch sử cũng có nguồn, trường Thành Chung nổi tiếng khi xưa xây trên dòng sông Vị bị lấp, thì trường Lê Hồng Phong niềm tự hào của thành Nam ngày nay cũng được dựng bên bờ dòng sông nên thơ bị lấp ấy, ôi thật là thú vị.

Hoàng Dương Chương

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 36
Hôm nay : 9847
Tháng hiện tại : 140888
Tổng lượt truy cập : 1710483
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html