Lịch sử Thư viện tỉnh Nam Định

Thư viện tỉnh Nam Định được thành lập năm 1956, tiền thân từ tủ sách nhỏ của phòng văn nghệ Ty văn hoá Thành phố Nam Định, với số sách ban đầu chỉ vẻn vẹn có 2000 bản. Sự ra đời của Thư viện tỉnh là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng thời là kết qủa tất yếu khách quan của phong trào quần chúng đọc sách báo sau ngày hoà bình lập lại (1954) trên miền Bắc.

Năm 1957 thành phố Nam Định sáp nhập với tỉnh Nam Định, Thư viện tỉnh được tăng cường thêm cán bộ từ tỉnh l Xuân Trường, song sách báo còn rất ít. Từ cuối 1958-1959 Thư viện tỉnh mở rộng phục vụ, ngoài phòng đọc tại chỗ còn mở thêm phòng mượn sách về nhà. Công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo được phát động rộng rãi, đặc biệt là cuộc thi đọc sách tìm hiểu về Liên bang Xô Viết - Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Là một thư viện được thành lập sớm sau ngày hoà bình lập lại trên miền Bắc, Thư viện Nam Định 50 năm hoạt động đã trải qua những bước thăng trầm cùng với những biến cố to lớn của lịch sử dân tộc, của tỉnh. Song dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn hay thuận lợi Thư viện tỉnh luôn bám sát việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhà nước, của địa phương và nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Hiệu quả xã hội to lớn mà Thư viện mang lại   là mở mang dân trí, tăng cường kiến thức và sự hiểu biết cho nhân dân - cội nguồn, động lực sáng tạo và phát triển của mọi thời đại, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đấu tranh thống nhất đất nước, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ ngày đầu mới thành lập còn rất ít về vốn sách báo và cán bộ song Thư viện tỉnh Nam định đã dần dần khẳng định được vai trò chức năng nhiệm vụ của mình là trung tâm văn hoá - khai trí cho nhân dân, là một thiết chế văn hoá quan trọng không thể thiếu trong các hoạt động văn hoá. Thư viện tỉnh không những chỉ tổ chức hoạt động tốt tại trung tâm mà còn thực hiện chức năng xây dựng phong trào đọc sách báo ở cơ sở. Ngay từ những năm đầu thành lập, Thư viện tỉnh đã xây dựng được một mạng lưới thư viện và phong trào đọc sách rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong những năm đầu thành lập 1956-1957, thông qua sách báo Thư viện tỉnh đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng và nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ; Đấu tranh  quyết liệt với ảnh hưởng của sách báo đồi truỵ, phản động còn rơi rớt lại vùng tạm chiếm. Đặc biệt là cuộc đấu tranh chống âm mưu tuyên truyền, dụ dỗ, lừa gạt lôi cuốn đồng bào thiên chúa giáo theo chúa di cư vào Nam.

Để quần chúng nhân dân lao động có thể tiếp cận được với sách báo cánh mạng, để tìm hiểu được đường lối cánh mạng của Đảng, chính sách của Nhà nước, Thư viện tỉnh đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền giới thiệu sách báo như tổ chức các cuộc thi đọc sách tập trung vào các chủ đề về Đảng, về Nhà nước mới, về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước như cuộc thi " Tìm hiểu về Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh" năm 1960, đã thu hút được hàng chục nghìn người tham gia.

Thư viện tỉnh Nam Định

Từ năm 1959-1961 Thư viện tỉnh đã phát động phong trào xây dựng tủ sách kết nghĩa Nam Định - Mỹ tho. Qua hai năm thực hiện phong trào này, đã quyên góp được hơn một vạn cuốn sách

Những năm tháng chiến tranh đánh phá ác liệt miền Bắc của đế quốc Mỹ là những năm vô cùng gian khổ song cũng thật tự hào đối với những người cán bộ thư viện. Thư viện phải đi sơ tán để tránh bom đạn giặc. Với khẩu hiệu " Sách đi tìm người" Thư viện  đã tổ chức cán bộ thành từng nhóm, từng tổ với ba lô, túi sách trên vai, trên những chiếc xe đạp, xe cải tiến, và nhiều khi đi bộ để mang sách  báo - ánh sáng của Đảng, tri thức của nhân loại đến phục vụ nhân dân ở những nơi sơ tán, phục các đơn vị bộ đội trên các trận địa pháo cao xạ, tên lửa ; hướng dẫn cho quần chúng đọc những tác phẩm có giá trị, phù hợp với nhiệm vụ cách mạng thời kỳ đất nước còn bị chia cắt như các tác phẩm nổi tiếng : "Sống như anh", "Người mẹ cầm súng", "Hòn đất", "Bất Khuất", "Baven Cocxêgin"....

Thư viện tỉnh không chỉ chú trọng đến việc tuyên truyền sách báo mà còn chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở, coi cán bộ thư viện là linh hồn của thư viện, là cầu nối không thế thiếu giữa sách và bạn đọc, nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn được tổ chức tại Thư viện tỉnh cũng như tại các cụm thư viện huyện. Hàng trăm cán bộ thư viện, tủ sách xã, cơ quan, trường học đã được đào tạo.

Trong thời kỳ xây dựng cải tạo XHCN ở niềm Bắc, thực hiện QĐ 178/CP -1970 của Chính phủ, Thư viện tỉnh đã tham mưu cho các cấp Đảng, chính quyền từ tỉnh xuống xã và trực tiếp cử cán bộ xuống cơ sở để tổ chức gây dựng mạng lưới thư viện ở huyện, xã. Chỉ trong một thời gian ngắn thư viện, tủ sách đã được phủ kín xuống đến các huyện, các xã trong tỉnh. Sách báo tuyên truyền trong thời kỳ này chủ yếu tập trung vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, cho phong trào hợp tác hoá, người tốt,  việc tốt, cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với những thành tích đạt được trong công tác tuyên truyền sách báo, xây dựng mạng lưới thư viện cơ sở, Thư viện tỉnh đã được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, của Bộ VHTT.

Triển lãm báo Xuân Nhâm Thìn - 2012

Sau 1975 khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Thư viện tỉnh Nam Định cùng cả nước bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Năm 1976 cùng với việc sát nhập 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập trên cơ sở sát nhập 2 Thư viện tỉnh  Nam Hà và Ninh Bình. Với thế và lực mới, Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh đã chủ động đưa tủ sách kết nghĩa hơn 3 vạn cuốn vào xây dựng thư viện các tỉnh kết nghĩa Mỹ Tho, Biên Hoà, Bạc Liêu góp phần không nhỏ vào việc xây dựng cơ sở vật chất vốn sách báo ban đầu cho các thư viện của tỉnh kết nghĩa.

Giai đoạn 1975-1986, thời kỳ bao cấp, trì trệ nặng nề, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất, vốn sách báo, đời sống cán bộ thư viện, song với lòng nhiệt huyết yêu nghề, yêu đời cán bộ Thư viện tỉnh đã vượt lên mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị, chuyên môn. Năm 1980 Thư viện tỉnh được chuyển lên thành TV Khoa học Tổng hợp với những chức năng nhiệm vụ mới. Thư viện đã mở thêm phòng đọc ngoại văn phục vụ bạn đọc trong đó có cả các chuyên gia Nga công tác tại tỉnh, mở các chi nhánh vệ tinh phục vụ lãnh đạo ở Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Uỷ ban Kế hoạch tỉnh.

Bên cạnh công tác phục vụ bạn đọc, Thư viện tỉnh còn tổ chức củng cố mạng lưới thư viện cơ sở, tổ chức tuyên truyền giới thiệu sách báo, mời các diễn giả trung ương và địa phương là các nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà toán học, nhà phê bình văn học nói chuyện về nhiều chuyên đề khác nhau như : văn học, lịch sử, kinh tế, khoa học kỹ thuật, chính trị - xã hội…

Lễ trao tặng sách

Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc Thư viện thường tổ chức các cuộc thi đọc sách, tìm hiểu lịch sử qua sách báo.  Năm 1980 TV tỉnh đã tổ chức cuộc thi đọc sách nhân 3 ngày lễ lớn : 50 năm ngày thành lập Đảng, 35 năm ngày thành lập nước, 90 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1981 tổ chức cuộc thi tìm hiểu Hiến Pháp nước VNDCCH thông qua đọc sách báo đã thu hút được hàng vạn người tham gia. Với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, sự tích tụ về cơ sở vật chất từ những ngày đầu thành lập và những thành tích đạt được, năm 1989 Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh đã được Bộ VHTT, UBND tỉnh quyết định xếp hạng 2. Đây là một mốc đánh dấu rất quan trọng không chỉ là niềm vinh dự tự hào mà còn là nền tảng cơ sở pháp lý để thư viện tỉnh Nam Định phát triển vươn lên đạt được những đỉnh cao mới.

Bước vào thời kỳ đổi mới từ 1986 tới nay Thư viện tỉnh đã qua 3 lần sát nhập chia tách và cuối cùng năm 1996 lại trở về cái tên ban đầu Thư viện tỉnh Nam Định. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, lúc khó khăn , lúc thuận lợi song Thư viện tỉnh Nam Định luôn đứng vững và vươn lên về mọi mặt từ cán bộ đến cơ sở vật chất. Đến nay qua  hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành Thư viện tỉnh Nam Định đã có một cơ ngơi, một diện mạo mới khá khang trang với 3 khối nhà 2 tầng kiến trúc hài hoà giữa truyền thống và hiện đại. Thư viện tỉnh thực sự trở thành 1 trung tâm VH-TT thu hút hàng vạn lượt người đến đọc, tra tìm thông tin phục vụ cho học tập, nghiên cứu và giải trí.

THƯ VIỆN NAM ĐỊNH

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 31
Hôm nay : 7847
Tháng hiện tại : 138888
Tổng lượt truy cập : 1708483
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html