Nhà xuất bản Tôn giáo vừa xuất bản cuốn sách “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định” của tác giả Đồng Ngọc Hoa. Đây là công trình nghiên cứu về tôn giáo, thể hiện tình cảm, tâm huyết của tác giả hướng tới kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định. Với sự am hiểu và dày công tìm tòi của tác giả; sự chỉ đạo nội dung của Thượng toạ Thích Tâm Vượng, Phó Trưởng Ban Trị sự Hội Phật giáo tỉnh, cuốn sách thực sự là tài liệu quan trọng về Phật giáo của Nam Định.
Sách gồm 8 chương và phần phụ lục đã tập hợp được khối lượng tư liệu phong phú, giúp bạn đọc có cái nhìn tương đối đầy đủ, rõ nét về Phật giáo Nam Định trong mối tương quan với lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng cũng như những đóng góp của Phật giáo Nam Định đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Chương I của cuốn sách khái quát đặc điểm địa lý, dân cư, tôn giáo Nam Định từ khi lập đất đến nay. Các chương II, III, IV, V nói về Phật giáo và quá trình du nhập, phát triển Phật giáo ở tỉnh Nam Định qua các thời kỳ. Chương VI giới thiệu những gương mặt tiêu biểu của Phật giáo Nam Định. Chương VII nói về tín ngưỡng thờ thần thánh ở chùa. Chương VIII phản ánh hoạt động của Giáo hội Phật giáo Nam Định gắn với mọi mặt đời sống xã hội.
Ở một số chương, tác giả Đồng Ngọc Hoa đã nêu bật những nét đặc trưng của Phật giáo ở Nam Định. Chẳng hạn như chương V: Phật giáo cứu quốc. Đây là đặc điểm nổi bật, khá riêng biệt của Phật giáo Nam Định. Tinh thần “hộ quốc, an dân” là dòng chảy xuyên suốt trong lịch sử mấy ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. Nhưng có lẽ chưa ở đâu, tư tưởng “dân tộc và đạo pháp” lại thể hiện rõ ràng như ở Nam Định. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại chùa Cổ Lễ đã có 27 nhà sư phát nguyện cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận. Sau khi làm tròn nghĩa vụ công dân, nhiều vị cao tăng đã trở về với cuộc sống tu hành. Tinh thần nhập thế của Phật giáo Nam Định chưa bao giờ đi ngược với triết lý đạo Phật… Câu giải thích: “Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh thì diệt trừ một kẻ ác để cứu muôn người hiền là phúc đẳng hà sa” của Hoà thượng Thích Thế Long đã thực sự thuyết phục. Đó là lý do để Phật giáo luôn là chỗ dựa bình an cho tâm hồn mỗi con người. Hoặc trong chương VI: Tinh hoa vườn thiền giới thiệu những gương mặt tiêu biểu của Phật giáo Nam Định, tác giả đã dành nhiều dung lượng giới thiệu về Hoà thượng Thích Thế Long – nguyên Phó Chủ tịch Phật giáo châu Á, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người có nhiều đóng góp cho Phật giáo và các hoạt động xã hội, thực sự đồng hành cùng dân tộc trong cả việc đạo, việc đời.
Nhìn bố cục của cuốn sách, ta thấy nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa đã đi từ tổng thể đến những vấn đề cụ thể. Điều đó giúp bạn đọc nhìn nhận rõ nét về Phật giáo Nam Định trong mối tương quan với dòng lịch sử nói chung, lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Đó là kết cấu tương đối khoa học và chặt chẽ. Điều đáng ghi nhận ở cuốn sách là sự dày công sưu tầm, tập hợp tư liệu, qua đó có thể thấy bức tranh toàn cảnh của Phật giáo Nam Định qua những tháng năm thăng trầm của lịch sử, bước phát triển và những đóng góp to lớn của Phật giáo với tỉnh nhà.
Viết “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định”, nhà nghiên cứu Đồng Ngọc Hoa đã có nền tảng tương đối vững khi trước đó, ông từng có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử các địa phương trong tỉnh. Trong cuốn sách, ông đặc biệt nhấn mạnh về sự phát triển rực rỡ của đạo Phật ở triều đại Trần với những dấu ấn không thể phai mờ đã ghi vào văn hoá, lịch sử dân tộc. Với tinh thần sáng tạo không cố chấp và không vọng ngoại, thời đại nhà Trần đã tạo nên một nền văn hóa với bản sắc dân tộc độc đáo thể hiện ý thức tự cường, vượt lên được những ảnh hưởng sâu đậm của Trung Quốc trong đó phải kể đến việc phổ biến chữ Nôm và Quốc ngữ thi, đặt nền móng cho một nền văn học thuần túy Việt Nam và việc sáng lập thiền phái Trúc Lâm của vua Trần Nhân Tông – một thiền phái phật giáo mang tinh thần quốc gia Đại Việt. Nam Định tự hào là nơi phát tích vương triều Trần… Việc giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa và tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của đạo Phật tại nơi phát tích triều Trần càng có ý nghĩa hơn khi lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường – Nam Định đang cận kề.
Thông qua cuốn sách “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định”, nhà nghiên cứu phê bình Đồng Ngọc Hoa còn muốn khẳng định giá trị của văn hoá truyền thống trong việc giáo dục, định hướng về tư tưởng, lối sống cho mỗi người trước sự xâm nhập của văn hoá ngoại lai. Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình để hòa nhập vào trào lưu phát triển với thế giới, mở cửa để giao lưu với bạn bè quốc tế, tiếp thu và học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, không thể tránh khỏi sự du nhập nhiều luồng văn hóa ngoại lai, trong đó có cái tốt, cái xấu. Làm thế nào để phân biệt, tiếp thu cái tốt và giải trừ cái xấu. Chính nền văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc với những tư tưởng truyền thống tốt đẹp sẽ chống lại những yếu tố độc hại của văn hóa ngoại nhập hoặc văn hóa mê tín phát sinh từ bản địa. Những yếu tố tích cực của Phật giáo là một phần tư tưởng văn hóa Việt sẽ cùng với văn hóa dân tộc Việt làm nhiệm vụ chọn lọc và phát triển văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách. “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định” là một công trình nghiên cứu không chỉ cung cấp tư liệu, số liệu chính xác cho các nhà nghiên cứu lịch sử, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, hướng về cội nguồn cho mọi người./
LAM HỒNG