Nam Trực là vùng đất có nhiều người đỗ và đỗ cao. Nam Trực là quê hương của 3 vị Trạng nguyên, 1 Hoàng giáp, 15 Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, 1 Phó bảng và 86 Cử nhân và Tú tài. Nói tới các làng khoa làng bảng ở huyện Nam Trực có thể kể đến: làng Cổ Chử với cha con Trần Văn Bảo và Trần Đình Huyên cùng đỗ đại khoa; làng Bái Dương với dòng họ Ngô (Ngô Thế Vinh đỗ Hoàng giáp; làng Bách Tính, Nam Trân, Vân Chàng, Tang Trữ, Lộng Điền…).
Vụ Bản được coi là quê hương của các vị Thám hoa và Hoàng giáp với 1 Trạng nguyên, 1 Thám hoa, 3 Hoàng giáp. Đây là quê hương của Trạng Lường nổi tiếng về toán học. Dòng họ Nguyễn ở làng Cựu Hào nay thuộc xã Vĩnh Hào, với những tên tuổi như: Nguyễn Xưởng đỗ Cử nhân năm 1786 mở đầu cho dòng họ Nguyễn. Nguyễn Thuyên 3 lần đậu Tú tài. Ông có 4 người con là Nguyễn Khâm, Tú Đoán, Tú Tương và Ấm Thừa đều đỗ Tú tài. Nguyễn Thành, em trai Nguyễn Thuyên, đậu Tú tài 7 lần, là ông nội của Nguyễn Văn Tính. Nguyễn Văn Tính đỗ Tiến sĩ khoa thi Tân Sửu (1901) năm Thành Thái thứ 13, cùng khoa với Phan Chu Trinh và Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người em thứ ba của Nguyễn Thuyên là Nguyễn Ngọc Đường cũng đậu Tú tài 4 lần.
Xuân Trường đứng đầu cả tỉnh Nam Định về số lượng người đỗ đạt, nhưng phần lớn là những người đỗ Cử nhân, tập trung nhiều dưới thời Nguyễn. Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân là danh hiệu cao nhất của sĩ tử vùng này đạt được. Nói đến làng khoa bảng của huyện Xuân Trường nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung không thể không nhắc tới làng Hành Thiện.
Làng Hành Thiện nổi tiếng là đất học và có nhiều người đỗ đạt trong thời kỳ phong kiến. Thời Nguyễn, làng Hành Thiện có số người khoa mục đứng đầu toàn quốc: 3 Tiến sĩ (Đặng Xuân Bảng (đỗ năm 1856), Nguyễn Ngọc Liên, Đặng Hữu Dương (đỗ năm 1889); 4 Phó bảng (Đặng Kim Toán (đỗ năm 1848), Đặng Đức Dịch (đỗ năm 1849), Nguyễn Âu Chuyên (đỗ năm 1884) và Phạm Đình Sắc (đỗ năm 1901); 87 Cử nhân và con số người đỗ Tú tài lên đến hơn 200 người. Trong 42 khoa thi tổ chức ở trường thi Nam Định, khoa nào cũng có người Hành Thiện đỗ Cử nhân hoặc Tú tài. Có thể nói, Hành Thiện đứng đầu cả nước về số lượng người đỗ Cử nhân.
Đền thờ trạng nguyên Lương Thế Vinh
Khoa thi Hương năm Kỷ Mão 1879, làng Hành Thiện có 3 người đỗ đầu là: Giải nguyên Nguyễn Âu Chuyên, Á nguyên Đặng Văn Nguyện và thứ ba là Nguyễn Lý Thản. Dân làng Hành Thiện có câu: “Thần Chuyên, Thánh Nguyên, Trạng nguyên Thu” để ca tụng 3 người này. Ngoài ra, làng Hành Thiện còn có 4 người đỗ Giải nguyên và 4 người đỗ Á nguyên trong các kỳ thi Hương.
Không chỉ có nhiều người tham gia khoa bảng, làng Hành Thiện còn nổi tiếng về sự kiên trì, không nản chí, quyết tâm theo đuổi việc học hành, thi cử. Nguyễn Đăng Thiện đỗ Tú tài khi mới 19 tuổi nhưng đến 60 tuổi mới đỗ Cử nhân. Nguyễn Như Bổng dự 15 khoá thi Hương trong suốt 40 năm, chỉ đỗ Tú tài 2 lần và đỗ Cử nhân khi 60 tuổi.
Có rất nhiều người đỗ đạt của làng Hành Thiện giữ các vị trí trong hệ thống quan chức của triều đình phong kiến từ trung ương tới địa phương.
Số dòng họ, gia đình có nhiều người đỗ đạt ở Hành Thiện, Xuân Trường chiếm số lượng lớn như họ Đặng, họ Nguyễn, họ Phạm…
Những gia đình có ông cháu cùng thi đậu Cử nhân như: ông là Nguyễn Xuân Tháp (là người viết tác phẩm Hành Thiện bản ấp lịch triều đăng khoa lục văn hội thông ký) và cháu là Nguyễn Lý Thản; ông là Đặng Văn Bính và các cháu: Đặng Hữu Dương, Đặng Hữu Hộ, Đặng Hữu Hách.
Gia đình có cha con cùng thi đậu Cử nhân: cha là Đặng Hữu Đức, con là Đặng Vũ Uyển; cha là Đặng Đức Cường, con là Đặng Đức Chính; cha Nguyễn Xuân Huyền, con Nguyễn Xuân Thống; cha Đặng Đức Nhu, con Đặng Đức Quyên, Đặng Đức Tiêu; cha Lương Trọng Xán, con Lương Ngọc Đĩnh.
Gia đình có chú cháu cùng thi đậu Cử nhân: chú Nguyễn Xuân Huyền, cháu Nguyễn Xuân Kinh; chú Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Thủ Ước, cháu Nguyễn Hân.
Gia đình có anh em cùng thi đậu: anh họ là Tiến sĩ Đặng Hữu Dương, anh Cử nhân Đặng Hữu Hộ, Đặng Hữu Hách, em Cử nhân Đặng Hữu Châu; anh Nguyễn Bá Huống, em Nguyễn Trọng Trù, Nguyễn Thế Tự cùng đậu Cử nhân. Trong đó Nguyễn Bá Huống và Nguyễn Thế Tự đỗ cùng khoa thi năm 1821; anh Nguyễn Đăng Kiều, em Nguyễn Như Bổng; anh Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, em Cử nhân Đặng Ngọc Toản; anh Nguyễn Đức Ban, em Nguyễn Ngọc Liên; anh Đặng Đê Kinh, Đặng Văn Khánh, em Đặng Văn Độ cùng đậu Cử nhân.
Ý Yên là quê hương của các vị Hoàng giáp. Riêng huyện này đã có tới 7 vị Hoàng giáp, chiếm số lượng lớn nhất những người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ cập đệ. Cùng với Xuân Trường, Ý Yên cũng là huyện có tiếng với các làng khoa bảng như làng Tam Đăng có gia đình Hoàng giáp Phạm Văn Nghị, một người con đỗ Phó bảng và ba người đỗ Cử nhân; làng La Ngạn, xã Yên Đồng, có dòng họ Đỗ có truyền thống khoa bảng. Tổ đời thứ 9 của dòng họ Đỗ là Đỗ Huy Cảnh, đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão năm 1819. Con trưởng của ông là Đỗ Huy Uyển đỗ Phó bảng năm 1841. Con trai của Đỗ Huy Uyển là Đỗ Huy Liêu đỗ Hoàng giáp năm 1879. Một số người khác trong gia đình tuy không tham gia khoa cử nhưng vẫn học giỏi và làm nghề dạy học. Đây là gia đình mà cha con, ông cháu đều đỗ đạt. Từ đường họ Đỗ còn treo đôi câu đối:
Lục triều trung hiếu gia sinh Phật
Tam thế khoa danh quốc phúc hầu
Tạm dịch:
Sáu triều trung hiếu nối nhau, Phật sống trong nhà sao hiếm thấy
Ba đời khoa danh hiển hách, phúc thần được nước kính dâng thờ.
Ngoài ra các gia đình có cha con, ông cháu, chú cháu cùng thi đậu Cử nhân như: xã Phú Khê có cha con Hoàng Trọng và Hoàng Văn Tuấn ; chú Hoàng Văn Tuấn và cháu Hoàng Cẩn cùng đậu khoa thi năm 1876; cha Hà Trọng Thạc, con Hà Trọng Pha, người xã Nguyệt Lãng; cha Bùi Cung Quang, con Bùi Tiến Tiên, người xã Đông Duy; ông là Hương cống Trần Văn Vịnh, cha Trần Văn Tiến, con Trần Văn Cận, bác Trần Văn Quýnh, Trần Văn Thức, anh họ Trần Văn Tạo, Trần Tiễn Đắng cùng đậu Cử nhân, người xã Vũ Xuyên. Trong đó Trần Văn Quýnh và Trần Văn Tiến đậu cùng khoa thi năm 1848; chú Lã Xuân Oai, cháu Lã Xuân Trang, người xã Thượng Đồng; cha là Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, con là Cử nhân Khiếu Tứ Ứng, Cử nhân Khiếu Tam Lữ, người xã Trực Mỹ. Khiếu Tứ Ứng và Khiếu Tam Lữ là hai anh em đỗ cùng khoa thi năm 1900.
Làng Cổ Lễ huyện Trực Ninh, có cha con họ Đào cùng đỗ đại khoa (cha là Đào Toàn Bân đỗ Tiến sĩ, con là Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên). Bên cạnh đó còn có các làng, xã có nhiều người đỗ đạt như Phương Để, Dịch Diệp.
Số người đỗ đạt thuộc thành phố Nam Định hiện nay không nhiều, nhưng đều có người đỗ Bảng nhãn, Thám hoa, Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân, Phó bảng và Cử nhân.
Theo: Địa chí Nam Định
(Nguồn từ www.dulichnamdinh.com.vn)