TRẦN MỸ GIỐNG
Làng Trà Lũ (huyện Giao Thuỷ, trấn Sơn Nam) là một làng nổi tiếng về đấu vật. Nơi đây cũng là căn cứ địa chủ yếu của nghĩa quân Phan Bá Vành hồi đầu thế kỷ 19. Địa danh Trà Lũ có tên trong sách sử vào năm 1533. Đến năm 1916 Trà Lũ chia thành 4 xã là Xuân Bắc, Xuân Trung, Xuân Phương, Nam Điền đều thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Những họ đầu tiên đến khai phá thành lập làng là họ Trần, họ Bùi, họ Phan từ làng Phượng Lũ (có thuyết nói thuộc Thanh Trì, Hà Nội; Thuyết khác nói thuộc Hưng Yên).
Khi xưa Trà Lũ là vùng đất ven sông biển, sình lầy, lau sậy um tùm, dân đi lại chủ yếu bằng đường sông nước. Người dân Trà Lũ phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt và thường xuyên phải chiến đấu chống giặc phỉ, bảo vệ làng. Hoàn cảnh sống đòi hỏi họ phải có sức khoẻ, tinh thông võ nghệ để tồn tại. Nhiều người dân Trà Lũ đã thi đỗ Cử nhân, Phó bảng võ và làm quan. Đặc biệt làng có nhiều đô vật nổi tiếng trong lịch sử.
Truyền thống vật võ Trà Lũ nổi tiếng nhất vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, gắn liền với khởi nghĩa Phan Bá Vành, được nhiều sách tỉnh chí, huyện chí, xã chí, văn bia, gia phả… nói đến.
Đô chỉ huy sứ Trần Bá Khoản (đầu thế kỷ 18) người thôn Trung, tinh thông võ nghệ, sức khoẻ phi thường. Vũ khí ông thường dùng là cây đao cán liền bằng sắt luyện, lưỡi to như tàu lá chuối, phải hai người mới khiêng nổi. Ông từng bỏ của nhà ra 80 vạn quan tiền nộp thuế cho cả làng. Ngày nay ở xã Xuân Trung vẫn còn đền thờ ông.
Đặc biệt kỹ xảo đấu vật của các đô Trà Lũ đã nổi tiếng khắp Bắc Kỳ, vang vào tận Huế. Họ Trần có ông Trần Ba là người nổi danh tài vật. Ông hay đẩy thuyền đi ngao du thiên hạ và thường đem theo bao vật. Có lần đến Bắc Ninh, gặp dịp một làng đang có hội vật, ông vào xem. Đô lực sĩ của địa phương tên là Ngật đang giữ giải nhất, gần kết thúc hội mà chưa có đối thủ. Ông Ba xin được vuốt giải nhất. Nhân dân địa phương rất trọng vọng, mời ông ngồi lên bục đối diện với đô Ngập. Đô Ngập gườm gườm nhìn ông, tay vê vê tà áo chợt bắt được con rận bèn để lên án thư giết đi. Ông Ba thấy lá rụng xuống chiếu, chép miệng thổi chiếc lá bay vù. Đô Ngập xưng hiệu là Bè Cạn (ý nói vững như cái bè mắc cạn). Ông Ba xưng hiệu là đô Trà Lũ (ý nói mạnh như nước lũ). Đô Ngập không chịu đấu nếu ông Ba chưa thắng nổi đàn em của hắn. Ông Ba miễn cưỡng phải vật với đô đàn em của đô Ngập. Chưa đầy một hiệp, ông Ba đã ném đối thủ qua dóng vật. Đô Ngập tức giận đứng bật dậy, tay dứt đứt hàng cúc áo. Thấy hai đô có ý đánh hiểm, dân làng yêu cầu phải làm cam đoan và hứa sẽ đứng ra bảo hiểm cho ông Ba (vì ông là người nơi khác tới). Vào giao đấu, hai đô quấn lấy nhau, ra đòn như rồng bay, phượng múa, hổ gầm, ngựa đá, voi dày… trông thật là dũng mãnh. Gần hết hiệp đấu, đô Ngập biết mình khó có thể thắng đối phương, bèn nằm bò, hai tay bám chắc rễ cây giữ thế, chờ hết hiệp. Ông Ba thét lên một tiếng rồi bốc người đô Ngập, kéo theo cả gốc cây lớn, ném ra ngoài đấu trường. Người xem kinh ngạc, hoan hô vang dậy. Đô Ngập sai bộ hạ mai phục định hại ông. Ông nhờ dân làng khênh giải xuống thuyền, một mình vác một cây cau đi sau bảo vệ. Bộ hạ đô Ngập sợ quá chuồn mất.
Hầu hết các đô nổi tiếng như Ba Hầm, Trần Bất Hựu, Phan Ba, Phan Mã, Trần Diễn, Phan Khánh, Hai Đáng, Đỗ Thị Hinh… đều là các vị tướng lĩnh trong cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành và hy sinh trong trận quyết chiến cuối cùng của nghĩa quân.
Hai Đáng là Chưởng tả quân của Phan Bá Vành. Ông có sức khoẻ hơn người, võ nghệ tài ba, khiên đao lừng lẫy, sở trường bơi lặn. Nơi nào gặp nguy khốn, Phan Bá Vành thường cử Hai Đáng đến cứu nguy và làm chỗ dựa tinh thần cho nghĩa quân. Trong trận quyết chiến cuối cùng (1827), Phan Bá Vành bị thương nặng vào chân. Hai Đáng đã cõng chủ tướng chạy thoát ra ngoài vòng vây, rồi trở lại tiếp tục chiến đấu và hy sinh. Sách “Trà Lũ xã chí” của cụ Lê Văn Nhưng đã viết về Hai Đáng như sau: “Hai Đáng cõng Phan Bá Vành chạy băng băng trên ruộng lầy, hai giải khố của ông bay thẳng căng về sau không lúc nào chùng.”
Nhân dân Trà Lũ vô cùng tự hào về Hai Đáng. Trong bài vè ca ngợi Phan Bá Vành có câu:
Vua Ba Vành trị nước lên ngôi,
Trà Lũ chúng tôi có ông Hai Đáng.
Bà Vũ Thị Hinh, vợ của Hai Đáng cũng là nữ tướng lo hậu cần cho nghĩa quân Phan Bá Vành. Bà rất giỏi võ. Bà đã chém chết tên phản bội khi tên này thúc trống báo hiệu cho quân triều đình biết lúc nghĩa quân tiến từ Thái Bình sang Trà Lũ. Có lần đi chợ, bị 4 tên côn đồ trêu ghẹo, bà vung gươm giết chết cả 4 tên. Sau khi khởi nghĩa Phan Bá Vành thất bại, không thấy tăm tích bà đâu.
Đô Vũ Tân, người thôn Bắc, khoẻ như hổ, khi xuống tấn thì vững như trái núi, thường kiệu trên vai 4 người, đi lại như không. Ông từng thắng nhiều đô vật của các lò vật nổi tiếng thời đó như Hà Nạn, Đặng Xá, Hào Kiệt… Một lần làng Hà Nạn tổ chức hội vật, có một đô giữ giải nhất đã mấy ngày mà chưa có ai giám giao đấu. Khi thao diễn, đô này rê hai chân dũi đất như hai luống cày. Đứng ngoài xem thấy thế, Vũ Tân liền vỗ vào róng tre làm các đốt tre nổ bôm bốp rồi nhảy vào vuốt giải. Hỏi ra biết là đô Tân, mọi người liền vui vẻ nhường giải nhất cho ông, không đô nào giám đấu.
Một lần vì chủ quan mà thua một keo vật, đô Tân bực lắm. Nghe nói vùng Bắc Ninh có đô Voi Cái rất giỏi vật, ông liền tìm đến xin học. Khi tới nơi, gặp con mương vừa rộng vừa sâu, ông nhún mình nhảy phắt qua. Chợt thấy một người đàn bà ôm con bê cũng nhảy qua mương, ông biết chắc nơi đây lắm người tài cho mình học hỏi. Ông tìm vào nhà đô Voi Cái, hoá ra chủ nhân chính là người đàn bà ôm con bê nhảy qua mương. Khi ông ngỏ lời xin học vật, chủ nhà bảo:
– Ông đã tới đây thì hãy ăn cơm đã rồi nói chuyện học vật sau.
Nói rồi chủ nhân lấy gạo đủ thổi nồi ba cơm. Ông cười bảo:
– Tôi tuy đi đường xa có hơi mệt, nhưng chỉ có từng ấy gạo thì chẳng khác nào cho voi uống thuốc gió.
Nói xong ông cởi bao gạo của mình đổ ra đủ thổi nồi bảy cơm. Khi một mâm cơm thịnh soạn được bưng ra, ông ăn hết trơn. Thấy chủ nhân muốn chuyển cái cối đá đi chỗ khác, ông bèn nhấc cối lên, liệng một cái, cối đá rơi đúng nơi quy định.
Thời Tự Đức, có quan Thống chế tên là Nhật, mỗi bữa ăn hết một con lợn, hai mâm sôi, là người giỏi võ nghệ, thường không có địch thủ. Có người hỏi:
– Thống chế có thích đấu vật không?
Thống chế bảo:
– Hay lắm!
Người đó bèn mời đô Tân giao đấu. Mới được vài hiệp, đô Tân thừa cơ bốc cẳng đặt Thống chế vào cái bể cạn trước dinh, nhẹ nhàng như đặt một em bé.
Vũ Tân truyền nghề cho cháu ngoại là Phan Khánh. Phan Khánh có sức khoẻ, có đức, thông minh nên chẳng bao lâu đã tinh thông 18 ban võ nghệ, sở trường kiếm thuật, kỹ xảo vật đạt đến độ điêu luyện, độc đáo. Phan Khánh thường đi biểu diễn vật khắp Bắc Kỳ, tiếng tăm vang lừng đến kinh thành. Thời Gia Long ông làm Đội trưởng quân doanh. Sau ông theo Phan Bá Vành khởi nghĩa. Có trận quân triều đình thúc voi tiến lên, quân khởi nghĩa tan vỡ phải bỏ chạy. Một mình Phan Khánh, hai tay cầm hai kiếm, dũng mãnh chém đứt vòi voi làm voi phải bỏ chạy. Nghĩa quân quay lại tấn công, chuyển bại thành thắng.
***
Lò vật Trà Lũ còn duy trì đến sau kháng chiến. Trà Lũ Trung (xã Xuân Trung) có đô Ba, đô Tư, đô Tuyết là những trụ cột của phong trào. Hàng năm (sau thì ba năm một lần) vào ngày mồng bốn mồng năm Tết, làng mở hội, đấu vật là môn thể thao không thể thiếu. Thời kỳ này, được chính quyền quan tâm, phong trào đấu vật ở Trà Lũ Trung khá sôi nổi. Mỗi khi có hội vật, khán giả háo hức chờ xem đô Ba, đô Tư, đô Tuyết thao diễn. Những miếng vật cơ bản như: vét, mói, dắt để hớt gót, gồng ngồi, gồng đứng, gồng quỳ, đòn dọc, sườn tay ngoài, đốc khuỷu tay, bắt bò lật sườn, bắt bò xốc bụng… các đô rất thuần thục, điêu luyện và vận dụng linh hoạt, biến ảo khôn lường, sức của tay chân tăng lên gấp bội.
Bọn trẻ khoái nhất được xem các đô làm động tác chuẩn bị. Hai đô vào sân, quỳ vái chào khán giả, bắt tay nhau, rồi theo hiệu lệnh trống làm các động tác hai tay chống cạnh sườn, xe đài, tiến ba bước và lùi ba bước, vừa đi vừa cuốn chỉ, múa hạc, vờn nhau trông thật đẹp mắt. Các đô cởi trần, đóng khố, bắp thịt nổi lên săn chắc. Sau ba tiếng trống, các đô chuyển thế thủ, lồng tay tư và bắt đầu cuộc đấu hết sức nhanh mạnh. Đô Ba và đô Tuyết thường vật mở màn cho hội vật. Hai đô biểu diễn là chủ yếu, không hề ăn thua, thường kết thúc hoà mà khán giả vẫn nhiệt liệt tán thưởng.
***
Khoảng năm 1964, huyện Giao Thuỷ có hội vật giao hữu với một đô tên là T., người dân tộc. Nghe đâu đô này đang là hy vọng vô địch miền Bắc. Đô T. 25 tuổi, cổ bạnh, hơi thấp nhưng trông khoẻ như trâu mộng. Các đô địa phương đều bị đô T. lần lượt hạ bằng miếng bắt bò ngược. Khi đối thủ thất thế nằm bò, đô T. thường dùng tay trái chẹn gáy, tay phải luồn qua háng bốc ngược đối phương từ chân lộn qua đầu, nếu đối phương cố gồng không chịu thua có thể bị gãy cổ. Khán giả chỉ còn hy vọng ở đô Ba, mặc dù khi ấy ông đã ngoài 50 tuổi.
Ông Ba cao một mét tám mươi lăm, sở trường các miếng thượng, vậy mà khi đấu với đô T., ông lại nhào xuống bốc cẳng rồi chuyển thế nằm bò. Đô T. loay hoay dùng miếng bốc bò ngược nhưng không sao nhấc ông Ba lên được. Toàn thân đô Ba như đá tảng, bụng dán chặt xuống đất. Khán giả reo hò vang dội.
Hiệp hai cũng diễn ra đúng như hiệp một.
Hiệp cuối, đô T. mình nhễ nhại mồ hôi, mồm thở như bò rống, đành xoay ra miếng bốc bò lật sườn (bò ngang), nhưng cũng không lật được đô Ba.
Sắp hết hiệp, bỗng đô Ba lật mình nằm ngửa chịu thua. Khán giả chết lặng, không còn tin vào mắt mình nữa. Thằng Hai con ông Ba mới 17 tuổi, nhảy vào sới, đòi đấu với đô T. nhưng Ban tổ chức không chấp nhận.
Theo dư luận của nhân dân, bắt đầu từ thằng Hai con ông Ba tiết lộ thì đô T. thề nếu không thắng ông già ngoài 50 (là đô Ba) thì sẽ tự vẫn. Trước khi vào đấu chính thức, đô T. đến nhà thăm và xin vật thử với đô Ba ba keo, thua cả ba. Ban tổ chức hội vật dàn xếp với đô Ba nhường cho lớp trẻ thắng… Nghe đâu họ còn hứa mời ông Ba lên Trung ương làm thầy dạy vật, nhưng ông không nhận. Sau họ nài nỉ mãi, ông Ba đành đồng ý nhường đô T…
Từ đó về sau ông Ba giải nghệ vật. Cũng từ đó phong trào vật võ của làng Trà Lũ Trung mai một dần…
Làng Trà Lũ từng có nhiều đô vật nổi tiếng trong lịch sử như thế, thật cũng đáng tự hào lắm thay.