Trong 175 năm tồn tại (1225 – 1400), nhà Trần đã để lại một di sản to lớn, độc đáo trên các mặt quân sự, kinh tế, chính trị xã hội, văn hoá giáo dục… đưa nước Đại Việt lên một tầm cao mới. Gần 7 thế kỷ đã trôi qua, hào quang của vương triều Trần vẫn toả sáng lịch sử Việt Nam. Trong việc đưa đất nước đến thịnh trị, các vua Trần có vai trò đặc biệt quan trọng. Trần Dụ Tông là một trong số 14 vị hoàng đế nhà Trần đã có công đóng góp đáng kể vào văn hóa Trần.
1 – VÀI NÉT TIỂU SỬ VÀ HÀNH TRẠNG TRẦN DỤ TÔNG:
Trần Dụ Tông tên thật là Trần Hạo, sinh ngày 19 tháng 10 năm Bính Tý 1336, mất ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu 1369, thọ 34 tuổi, làm vua 28 năm (1341 – 1369), lấy niên hiệu là Thiệu Phong (1341 – 1357) và Đại Trị (1358 – 1369) (1).
Trần Dụ Tông là con thứ 10 của vua Trần Minh Tông, do Hiến Từ hoàng hậu sinh ra. Năm Tân Tị 1341 vua Trần Hiến Tông mất khi mới 23 tuổi. Do Hiến Tông không có con nên Thượng hoàng Trần Minh Tông lập Hoàng tử Hạo lên làm vua.
Ngày 21 tháng 8 năm Tân Tị 1341, Trần Hạo lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Dụ Hoàng, đổi niên hiệu là Thiệu Phong năm thứ nhất. Các quan trong triều đình dâng tôn hiệu là Thống Thiên Thế Đạo Nhân Minh Quang Hiếu Hoàng Đế. Lúc này Trần Dụ Tông mới lên 6 tuổi.
Là một Hoàng tử, Trần Dụ Tông được nuôi dạy chu đáo, có điều kiện phát triển trí tuệ. Từ nhỏ ông đã có tư chất thông minh hơn người, lớn lên càng thông tuệ, học vấn cao minh, giỏi cả văn và võ.
Năm 13 tuổi Trần Dụ Tông lấy công chúa Ý Từ là con gái thứ tư của Bình Chương Huệ Túc vương sách phong làm Nghi Thánh Hoàng hậu.
Những năm đầu làm vua, có Thượng hoàng Trần Minh Tông và các đại thần giúp đỡ nên dù đất nước gặp nhiều khó khăn, mất mùa đói kém, Trần Dụ Tông vẫn duy trì được việc chính trị có nề nếp. Bản thân Trần Dụ Tông có nhiều đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển quốc gia.
Về việc võ, Trần Dụ Tông ý thức thường xuyên cảnh giác kẻ thù xảo quyệt và tàn bạo phương Bắc, chăm lo việc phòng thủ biên giới Tây Nam, tăng cường củng cố quốc phòng như tổ chức đóng chiến thuyền, chế tạo vũ khí, luyện tập binh sĩ, bố trí các quan có năng lực đảm đương nhiệm vụ ở những nơi xung yếu, cử binh chinh phạt Chiêm Thành…
Về ngoại giao, Trần Dụ Tông duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, vì mục đích hoà bình cho đất nước. Tháng 8 năm Ất Dậu 1345, nhà Nguyên sai Vương Sĩ Hành sang hỏi về việc cột đồng. Mặc dù lúc này chính sự nhà Nguyên đã suy đồi, Trần Dụ Tông vẫn dùng chính sách ngoại giao mềm dẻo, sai Phạm Sư Mạnh đi biện bạch nhằm gìn giữ hoà bình. Năm Mậu Thân 1368, Minh Thái Tổ lên ngôi ở Kim Lăng, sai Dịch Tế Dân sang thăm ta. Trần Dụ Tông sai Lễ bộ thị lang Đào Văn Đích sang nhà Minh đáp lễ, thiết lập mối quan hệ bang giao giữa hai nước.
Về đối nội, Trần Dụ Tông quan tâm cải tổ chính quyền, quân đội, chăm lo đời sống nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Theo quy chế cũ, cấm quân thuộc về Thượng thư sảnh. Đến năm Nhâm Ngọ 1342, Trần Dụ Tông đặt Khu mật viện để quản lãnh cấm quân. Năm Giáp Thân 1344, Trần Dụ Tông tiến hành một loạt đổi mới nhằm tăng cường quyền lực của nhà nước (Đổi Hành khiển ty ở cung Thánh Từ làm Thượng thư sảnh; Đặt đại sứ và phó sứ của viện Tuyên Huy; Đổi Kiểm pháp quan của viện Đăng Văn thành Đình uý, Tự khanh và Thiếu khanh; Đặt Đồn điền sứ và phó sứ ở Ty khuyến nông; Lộ lớn thì đặt An phủ sứ và phó sứ, thuộc châu thì đặt Thông phán…). Các biện pháp cải cách trên đây của Trần Dụ Tông đã có tác dụng tăng cường sức mạnh quốc phòng và bộ máy quản lý nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, mở mang kinh tế nông nghiệp…
Trong việc giữ gìn an ninh chính trị, ổn định trật tự xã hội, vấn đề kỷ cương luật pháp có vị trí hết sức quan trọng. Năm Tân Tỵ 1341, khi vừa mới lên ngôi, mặc dù mới lên sáu tuổi, nhưng có các đại thần học rộng tài cao tham mưu cho, Trần Dụ Tông đã bắt tay ngay vào việc chấn chỉnh kỷ cương. Ông trực tiếp chủ trì và sai Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển (Thể lệ lớn của triều Trần) gồm 10 tập và khảo soạn cuốn Hình thư gồm 1 quyển. Bộ Hoàng triều đại điển (có sách chép là Trần triều đại điển) là một bộ luật lớn thời Trần Dụ Tông. Cuốn Hình thư (có sách chép là Hình luật thư) có lẽ đã được biên soạn từ các đời trước nhưng chưa có điều kiện khắc in. Đến nay Trần Dụ Tông cho khảo soạn lại, khắc in và phát hành rộng rãi để thực thi. Cả hai bộ sách này ngày nay đều đã thất lạc chưa tìm thấy.
Không chỉ quan tâm tới việc hoàn chỉnh luật pháp để điều chỉnh xã hội, Trần Dụ Tông còn quan tâm tới đời sống dân nghèo. Mỗi khi đất nước gặp thiên tai, mất mùa, đói kém… vua đều có những chính sách kịp thời cứu trợ nhân dân như giảm tô thuế các năm: 1343, 1354, 1362… Tháng 4 năm Đinh Dậu 1357, xuống chiếu cho các lộ Thanh Hoá, Nghệ An khơi các kênh ngòi cũ. Năm Mậu Tuất 1358, hạn hán, sâu cắn lúa, cá chết nhiều. Tháng 8 năm đó xuống chiếu khuyến khích các nhà giàu bỏ thóc ra chẩn cấp dân nghèo, các quan địa phương tính giá trị ra tiền để hoàn trả lại. Tháng 9 năm 1362 vua về Thiên Trường, ban thuốc công và tiền gạo cho người đau ốm. Dân nghèo ai đến cũng đều được ban cho 2 tiền, 2 thăng gạo và 2 viên thuốc Hồng Ngọc Sương chữa bách bệnh.
Dưới thời Trần Dụ Tông, nhiều nhân tài đã được trọng dụng như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Trong thời kỳ đầu làm vua, Trần Dụ Tông do đã biết trọng dụng nhân tài nên mặc dù đất nước gặp rất nhiều khó khăn vẫn duy trì được nề nếp chính sự.
Để nâng cao năng lực quản lý của bộ máy nhà nước, Trần Dụ Tông quan tâm đến việc tuyển chọn, bồi dưỡng nhân tài, tuyển quan lại qua thi cử đã giúp cho triều đình chọn được người có thực tài để giao cho họ những chức vụ quan trọng, hạn chế tình trạng người không có tài đức lọt vào cơ quan nhà nước. Dùng thi cử để tuyển chọn quan lại là biện pháp tích cực được Trần Dụ Tông quan tâm, đã góp phần làm tăng cường năng lực quản lý của bộ máy nhà nước.
Từ năm Đại Trị 1358 về sau, Trần Dụ Tông sa vào con đường ham chơi bời, cờ bạc, bỏ bê chính sự, dẫn đến sự kiện Dương Nhật Lễ lên ngôi gây ra rối ren sóng gió cho đất nước. Thời gian này Thượng hoàng Trần Minh Tông và các cựu thần như Trương Hán Siêu là trụ cột của triều đình đều đã qua đời. Ngoài thì mất mùa đói kém, giặc giã nổi lên như ong, làm cho dân tình vô cùng khổ sở. Trong thì bọn gian thần kéo bè kết cánh lũng đoạn triều đình. Năm Nhâm Dần 1362 Chu Văn An dâng sớ xin chém đầu 7 tên gian thần để ổn định chính sự, gọi là Thất trảm sớ, nhưng Trần Dụ Tông không nghe. Đã thế Trần Dụ Tông lại ham chơi bời, xây cung điện để đánh bạc, mở tiệc bắt các quan thi uống rượu, ai uống được 100 thăng thì thưởng cho hai trật… Năm Quý Mão 1363 Trần Dụ Tông cho dựng điện Song Quế, xếp đá làm núi, đào hồ Lạc Thanh trong vườn ngự uyển ở hậu cung, sai người chở nước mặn đổ vào hồ, nuôi cá sấu… để làm nơi chơi bời hưởng lạc. Năm Bính Ngọ 1366 vua đi chơi nhà Trần Ngô Lang về khuya bị cướp cả ấn báu và gươm báu.
Trong cuộc đời Trần Dụ Tông có một sự kiện ảnh hưởng đến tâm lý của vua sau này. Năm vua 3 tuổi đi chơi Hồ Tây bị chết đuối, được Trâu Canh châm cứu sống lại nhưng lại bị bệnh liệt dương. Năm Tân Mão 1351 Trâu Canh lại chữa cho vua khỏi bệnh. Sự ức chế sinh lý kéo dài, khi được đột ngột giải toả ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý và tác động vào sự sa đoạ của Trần Dụ Tông sau này.
Ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu 1369 Trần Dụ Tông băng ở chính tẩm trong tâm trạng u uất không có con nối dõi tông đường, thọ 34 tuổi. Trần Dụ Tông được táng ở Dụ Lăng (nay thuộc xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
Các sử gia đã đánh giá Trần Dụ Tông trong Đại Việt sử ký toàn thư là:
– “Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sửa sang việc văn, các di đều thần phục. Đời Thiệu Phong chính sự tốt đẹp; Từ năm Đại Trị về sau, chơi bời quá độ, cơ nghiệp nhà Trần suy yếu từ đó.”(2)
2 – NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TRẦN DỤ TÔNG TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Về văn hoá, Trần Dụ Tông được coi là người đặt nền móng cho một số môn nghệ thuật dân tộc như tuồng cổ, một số trò chơi dân gian như leo dây, múa rối…
“Trước đây, khi đánh Toa Đô, bắt được người phường hát là Lý Nguyên Cát rất giỏi hát, những con ở trẻ của các nhà thế gia theo y tập hát điệu phương Bắc. Nguyên Cát sáng tác các vở tuồng truyện cổ, có các tích như Tây Vương Mẫu hiến bàn đào. Trong tuồng có các vai quan nhân, chu tử, đán nương, câu nô gồm 12 người, mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gảy đàn, vỗ tay, gõ ồn phím đàn (Chú: Chu Hậu chết, Hậu Chú ghi vào mặt sau đàn tỳ bà: Hương trời còn đuôi phượng, hơi ấm tỏa phím đàn), thay đổi nhau ra vào làm trò, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy”.(3)
Dần dần những hoạt động biểu diễn tuồng cổ như vở Tây Vương Mẫu hiến bàn đào, hát các điệu hát Phương Bắc trở thành phong trào văn nghệ quần chúng rộng rãi. Dấu ấn ca nhạc thời Trần hiện còn đến nay như điệu Sa Mạc do Lý Nguyên Cát sáng tác rất giống với nhạc phương Bắc thể hiện nỗi nhớ quê hương nơi sa mạc xa xăm.
Năm 1310 vua Trần Nhân Tông băng, dân chúng thương mến bậc minh quân đã đánh tan giặc Nguyên nên đi đưa tang rất đông, đến nỗi không thể đưa quan tài ra khỏi thành Thăng Long. Theo lệnh vua Trần Anh Tông, Trịnh Trọng Tử bèn đặt ra bài ca Long Ngâm, dạy cho quân lính hát ở sân Thiên Trì. Dân chúng đua nhau đến nghe hát, lúc đó mới có thể đưa được quan tài vua cha ra khỏi thành và đem về mai táng ở Long Hưng (thuộc Nam Định hiện nay). Bản nhạc Long Ngâm cũng được dùng để nhịp đường đi nước bước của những người lính khiêng quan tài vua Trần Nhân Tông từ Thăng Long tới Long Hưng.
Đời Trần Dụ Tông, năm thứ 10 (1350) có người Nguyên tên là Đinh Bàng Đức, nhân nước loạn, đưa vợ con xuống thuyền vượt biển sang nước ta. Bàng Đức cầm gậy hát những lời rất khéo, người nước ta đua nhau theo học.
“Nhâm Dần, [Đại Trị] năm thứ 5(1362) (Nguyên Chí Chính năm thứ 22): Mùa xuân, tháng giêng, lệnh cho các nhà vương hầu, công chúa dâng các trò tạp hý vua xét duyệt trò nào hay thì thưởng cho”.(4)
Như vậy, Trần Dụ Tông đã cho phép và khuyến khích các vương hầu diễn các vở hát, chính vua duyệt lại, người nào hát hay, pha trò khéo đều được hậu thưởng. Các hoạt động này coi như hội diễn tổng kết phong trào văn nghệ do vương triều đứng ra tổ chức để phát triển văn hoá. Đây cũng là lần đầu tiên có tổ chức hội diễn văn nghệ cung đình quy mô toàn quốc.
Trần Dụ Tông là một tác gia văn học thời Trần. Hiện nay các tác phẩm của Trần Dụ Tông như Hoàng triều đại điển, Hình thư và các sáng tác văn thơ khác của ông đều đã thất lạc. Trong Toàn Việt thi lục chỉ còn ghi được một bài thơ của Trần Dụ Tông là bài Đường Thái Tông dữ bản triều Thái Tông (có sách chép là Thư hoài):
Đường, Việt khai cơ lưỡng Thái Tông
Bỉ xưng Trinh Quán, ngã: Nguyên Phong
Kiến Thành tru tử, An Sinh tại
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.
Dịch thơ:
Đường, Việt hai vua hiệu Thái Tông
Đường xưng Trinh Quán, Việt: Nguyên Phong
Kiến Thành bị giết, An Sinh sống
Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng.
(Đào Phương Bình dịch).
Bài thơ tỏ rõ chí khí, lòng kiêu hãnh tự hào của Trần Dụ Tông về các vương triều của nhà Trần. Tác giả so sánh nhà Trần với nhà Đường bên Trung Quốc, vua mở nghiệp nhà Trần và vua mở nghiệp nhà Đường đều có thụy là Thái Tông nhưng đức độ hai vua lại không giống nhau, vua Thái Tông nhà Trần đức độ hơn hẳn Thái Tông nhà Đường.
Hiện nay, việc đánh giá Trần Dụ Tông chưa đồng thuận, thậm chí trái ngược nhau. Có người tôn vinh ông vào hàng danh nhân. Chính quyền tỉnh Nam Định còn đúc tượng thờ ông tại Đền Trần, tuyên truyền rộng rãi trên báo chí để nhân dân tri ân ông. Một số người khác lại phủ định ông, coi ông là vị vua tha hóa, có tội trong việc đẩy nhanh nhà Trần đến diệt vong. Năm 2000, tôi có viết bài về Trần Dụ Tông theo yêu cầu của thạc sĩ Hoàng Dương Chương, khi ấy là thủ trưởng cơ quan tôi và là thư ký đề tài khoa học cấp tỉnh “Danh nhân văn hóa Nam Định” do Sở Văn hóa Thông tin Nam Định thực hiện. Sau đó Hội đồng nghiệm thu đề tài gồm toàn là các giáo sư tiến sĩ đã loại bỏ bài viết của tôi với lý do “Trần Dụ Tông không thể là danh nhân”. Sở dĩ có hai quan điểm trái ngược nhau đó là do mỗi người căn cứ vào một tiêu chí danh nhân riêng không giống nhau. Dù vậy, hẳn ai cũng phải thừa nhận Trần Dụ Tông là một nhân vật lịch sử lớn của nước ta. Những đóng góp của ông trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật thời Trần như chúng tôi đã trình bày ở trên là không thể phủ nhận.
………………………………………………………
* Bài phát biểu trong Hội thảo “Dấu ấn văn hóa Trần với cộng đồng dân cư Nam Định”, chuyền đề “Thiên Trường – Nam Định mảnh đất đậm đà dấu ấn văn hóa Trần” ngày 6 – 12 – 2011 do Hội VHNT Nam Định và Sở Khoa học Công nghệ Nam Định tổ chức tại thành phố Nam Định.
Chú thích :
(1) – Theo Đại Việt sử lược (Nguyễn Gia Tường dịch. – Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993. – Tr. 301) thì đời Trần Dụ Tông có 3 lần đổi niên hiệu là Thiệu Hưng (1341 – 1357), Đại Trị (1358 – 1368), Thiên Định (1369). Ở đây chúng tôi theoĐại Việt sử ký toàn thư.
(2) – Đại Việt sử ký toàn thư. – H.: Khoa học xã hội, 1998. – T.2. – Tr. 127.
(3), (4) – Đại Việt sử ký toàn thư. – H.: Khoa học xã hội, 1998. – T.2. – Tr. 141.
Tài liệu tham khảo
– Bibliogaphie Annamite / E. Gaspardone. – BEFEO,T.7.
– Các triều đại Việt Nam / Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng. – H.: Thanh niên, 1999.
– Khâm định Việt sử thông giám cương mục/ Quốc sử quán triều Nguyễn.- Q.13, tờ 4.
– Đại Việt sử ký tiền biên / Lê Văn Bảy… dịch. – H.: Khoa học xã hội, 1997.
– Đại Việt sử ký toàn thư / Hoàng Văn Lâu dịch. – H.: Khoa học xã hội, 1998. – T.2.
– Lịch triều hiến chương loại chí / Phan Huy Chú. – H.: Khoa học xã hội, 1960. – T.1.
– Lược khảo tác gia văn học Nam Định / Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống, Phương Thuỷ, Trần Bá Giao. – H.: Văn học, 1997.
– Lược truyện các tác gia Việt Nam / Trần Văn Giáp chủ biên. – In lần thứ 2 có sửa chữa, bổ sung. – H.: Khoa học xã hội, 1971. – T.1.
– Mười bốn vị Hoàng đế thời Trần. – Nam Định : Sở Văn hoá thông tin Nam Hà, 1995.
– Tác giả Hán Nôm Nam Định / Trần Mỹ Giống. – Nam Định : Hội VHNT, 2008.
– Thơ văn Lý Trần. – H.: Khoa học xã hội, 1978. – T.3.
– Tìm hiểu kho sách Hán Nôm / Trần Văn Giáp. – H.: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 1970. – T.1.
– Toàn Việt thi lục (Chữ Hán).