Thư viện tỉnh Nam Định với công tác tuyên truyền giới thiệu sách

Công tác tuyên truyền giới thiệu sách (TTGTS) là một hoạt động nghiệp vụ giúp cho thư viện thực hiện chức năng định hướng, dẫn dắt việc đọc ; Là công tác chính trị nhằm phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, góp phần xây dựng con người mới, nền văn hoá mới, xã hội mới ; Là cầu nối thư viện với bạn đọc.

Đảng ta đã chỉ rõ : Sách báo là vũ khí đấu tranh giai cấp sắc bén trên mặt trận tư tưởng và văn hoá. Công tác TTGTS là phương tiện phát huy tác dụng của sách báo. Vì vậy, Đảng rất quan tâm đến công tác TTGTS  : “Vấn đề tuyên truyền, cổ động, mỗi một chi bộ phải lập được một chỗ bình dân thư xãhay một cơ quan tương đương để mua sách báo công khai và làm tài liệu nghiên cứu (hiện thời trong số sách báo công khai có nhiều, có tính chất phổ thông và có giá trị, các cấp bộ Đảng, các đồng chí ta nên vận động quần chúng mua nhiều, Đảng sẽ giới thiệu mua sách gì và phê bình sách ấy)” (1)

Công tác TTGTS thể hiện rõ tính chủ động, tính khoa học, tính sáng tạo của công tác thư viện. Công tác TTGTS đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải có trình độ văn hoá nhất định, tư tưởng vững vàng, nhạy bén về chính trị, biết vận dụng linh hoạt các hình thức TTGTS mới đạt được hiệu quả cao.

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò tác dụng của công tác TTGTS, nhiều năm qua Thư viện tỉnh Nam Định đã thực sự coi trọng công tác này, vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế và đạt kết quả tốt. Tổng số bạn đọc của thư viện tăng dần từ 2000 đến 2500. Tổng lượt sách được đưa ra phục vụ tăng từ 60.000 đến gần 250.000 lượt sách / năm...

Một số hình thức tuyên truyền được sử dụng phổ biến trong từng thời kỳ lịch sử của Thư viện tỉnh Nam Định đã được ngành thư viện khen thưởng là kể sách, nói chuyện giới thiệu sách, trưng bày sách, triển lãm báo xuân, panô tuyên truyền sách, thi tìm hiểu về sách...

1- Kể sách là hình thức tuyên truyền miệng, một người kể cho nhiều người nghe, trong đó người kể thuật lại nội dung hoặc kể theo nguyên văn trong sách. Người nghe nhận thức được nội dung và chủ đề tư tưởng của tác phẩm thông qua sự thụ cảm bằng tai mình và giọng nói diễn cảm của người kể. Kể sách là hình thức tuyên truyền đơn giản, dễ thực hiện, tính linh hoạt cao, phù hợp với lứa tuổi thiếu niên và người cao tuổi, nhưng lại có sức thuyết phục, sức hấp dẫn mạnh mẽ vì nó tác động trực tiếp vào tình cảm người nghe. Từ trước công nguyên, loài người đã xuất hiện những “kể chuyện gia” chuyên nghiệp. Ở nước ta, thời phong kiến, và tới những năm sau cách mạng tháng Tám 1945, vẫn còn những người kiếm sống bằng nghề kể sách. Những tác phẩm như Tây du ký, Tam quốc diễn nghĩa, Thuỷ hử... do các “kể chuyện gia” thuật lại trong các phiên chợ ở làng quê từng làm rất nhiều người nghe say mê. Hiện nay, kể sách là một môn học trong các trường tiểu học Việt Nam được học sinh rất thích thú.

Thư viện tỉnh Nam Định đã khai thác triệt để tác dụng của hình thức kể sách trong công tác TTGTS  của mình. Từ năm 1990 đến nay, Nam Định tổ chức 5 Hội thi kể sách quy mô toàn tỉnh, tham gia hai hội thi toàn quốc và Liên hiệp các thư viện miền duyên hải phía bắc, giành nhiều giải cao và được Bộ Văn hoá cấp Bằng khen. Em Phan Thị Diệu Thu, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nam Điền (Nam Trực) đã giành hai giải chính thức cho thí sinh kể sách hay nhất và thí sinh có tiết mục năng khiếu hay nhất trong Hội thi Thiếu nhi kể sách và giới thiệu sách toàn quốc năm 2002. Các hội thi kể sách đã thu hút được đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi tham gia, trở thành sân chơi lý thú của thiếu nhi. Nhiều sách địa chí, sách về danh nhân và truyền thống quê hương được bạn đọc chọn kể đã góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống của tỉnh.

2- Nói chuyện giới thiệu sách là hình thức tuyên truyền miệng, trong đó người nói bằng sự phân tích, so sánh, đánh giá tác phẩm, giới thiệu cho người nghe thấy hứng thú và cần thiết tìm đọc tác phẩm đó. Hình thức này gần gũi với bình giảng văn học ở nhà trường và có tính chuyên sâu, có tác dụng lớn trong công tác lãnh đạo việc đọc, nhưng đòi hỏi người nói phải có trình độ cao và nghệ thuật hùng biện. Vì vậy, người tham gia thường là giáo viên, nhà văn, nhà thơ, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn sâu... Thư viện tỉnh Nam Định là một trong số các thư viện tổ chức Hội thi giới thiệu sách sớm nhất trong toàn quốc.

Thời gian trước 1990, hàng năm Thư viện tỉnh Nam Định tổ chức từ 8 đến 12 cuộc giới thiệu sách và mời diễn giả trung ương về nói chuyện nhân các ngày kỷ niệm lớn của đất nước hoặc tuyên truyền cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Những diễn giả được mời là các giáo sư, nhà thơ, nhà văn, tiến sĩ, cán bộ lãnh đạo... như Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn,  Giáo sư Lê Văn Lan, Nhà thơ Vũ Quần Phương, Nhà sử học Dương Trung Quốc... Bài nói có chất lượng cao của diễn giả được các nghệ sĩ hát, ngâm thơ minh hoạ càng trở nên hấp dẫn, thu hút nhiều người nghe. Buổi nói chuyện giới thiệu tác phẩm “Một số phận vinh quang và cay đắng” do Tiến sĩ Hoàng Xuân Sính trình bày tại Nhà văn hoá 3 - 2 năm 1976 có trên 1.000 người đến nghe. Thông qua các buổi nói chuyện giới thiệu sách, thư viện đã đem đến cho bạn đọc những tác phẩm có giá trị và góp phần dẫn dắt dư luận bạn đọc đối với tác phẩm và nhà văn. Một số tác phẩm đã một thời phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị và được bạn đọc háo hức đón nhận như Bão biển của Chu Văn, Chuyện thường ngày ở huyện (tác phẩm Liên Xô), Sống như anh của Trần Đình Vân… 

Từ năm 1985, do kinh phí hạn chế, Thư viện tỉnh Nam Định chuyển hướng phát triển lực lượng cộng tác viên tại chỗ thông qua tổ chức các hội thi giới thiệu sách. 1985 - 1987 - 1988, Thư viện tỉnh Nam Định tổ chức thành công liền ba hội thi nói chuyện giới thiệu sách, tạo ra tiếng vang trong toàn quốc, được Bộ Văn hoá Thông tin cấp Bằng khen, được các thư viện bạn suy tôn là “Con chim đầu đàn của các thư viện cấp tỉnh miền Bắc năm 1987 - 1988”. Từ đó đến nay, hội thi giới thiệu sách trở thành hoạt động thường xuyên, tạo ra đội ngũ giới thiệu viên đông đảo vươn ra khắp tỉnh. Các thí sinh của Nam Định tham gia các Hội thi giới thiệu sách cấp miền và toàn quốc đều giành giải cao. Bài giới thiệu sách của thí sinh Trần Thị Lan cán bộ cơ sở của Vụ Bản chiếm giải nhất trong Hội thi cán bộ thư viện giỏi miền duyên hải phía Bắc năm 2003 với số điểm vượt xa so với bài giải nhì. Hầu hết các diễn giả của Nam Định trong các Hội thi TTGTS cấp khu vực đều giành giải cao như  em Nguyễn Thị Minh Thu (học sinh Trường THCS xã QuangTrung, huyện Vụ Bản) giới thiệu tác phẩm Bất khuất của Nguyễn Đức Thuận đã đoạt giải Nhất năm 2005, chị Trần Thị Kim Ngân (Trường Tiểu học Mỹ Xá, thành phố Nam Định ) đoạt giải Người giới thiệu sách hay nhất năm 2006 với tác phẩm Bút sen xanh của Sơn Tùng...

3- Tuyên truyền trực quan :  Căn cứ vào sự thụ cảm bằng mắt của người xem, Thư viện Nam Định vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa có tác động mạnh tới bạn đọc như triển lãm tranh ảnh, triển lãm trưng bày sách, trưng bày báo xuân, biểu ngữ thư viện, panô sách... Tại các phòng phục vụ đều có những tủ sách, giá sách bỏ ngỏ để bạn đọc được trực quan sinh động và tự do lựa chọn sách. Bên cạnh việc trưng bày sách chuyên đề, triển lãm báo xuân được tiến hành hàng năm vào dịp tết. Ngoài 250 loại báo và tạp chí trung ương đặt mua thường xuyên, thư viện còn trao đổi báo và tạp chí với các tỉnh, thành phố trong cả nước, kết hợp với các hoạt động văn hoá khác như triển lãm và thực hành thư pháp, làm cho nội dung triển lãm báo xuân thêm phong phú, được dư luận bạn đọc rất hoan nghênh. Năm 2003 và 2004 thư viện kết hợp với Hội nhà báo Nam Định giúp các huyện Hải Hậu, Vụ Bản triển lãm báo xuân tại trung tâm huyện, phát huy tác dụng tuyên truyền của báo chí cách mạng rộng rãi trong tỉnh.

4- Thi đọc sách là hình thức TTGTS có tính chất tổng hợp dưới dạng trả lời câu hỏi nhằm thu hút bạn đọc vào việc đọc một số tác phẩm nhất định do thư viện đặt ra cũng được vận dụng có hiệu quả tại Nam Định. Thường những cuộc thi đọc sách có câu hỏi liên hệ với địa phương nên buộc bạn đọc phải quan tâm tới thực tế đời sống tỉnh nhà, qua đó tăng cường lòng tự hào và tình yêu quê hương, có ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt. Cuộc thi đọc sách báo Giải đáp về nhiệm vụ sản xuất Đông – Xuân năm 1962 được đông đảo tập thể và cá nhân trong tỉnh hưởng ứng. Giải nhất tập thể là một con trâu mộng đã được trao cho nhân dân xã Nghĩa Hồng (huyện Nghĩa Hưng). Cuộc thi Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội  Đảng trong giai đoạn Cách mạng xã hội chủ nghĩa năm 1977 có gần 3.000 bài dự thi, trong đó có bài của thày giáo Nguyễn Minh Tâm (Cấp III Xuân Trường) có giá trị như một bản luận văn. Cuộc thi Tìm hiểu ý nghĩa của ba ngày lễ lớn năm 1980 (Ngày thành lập Đảng, ngày sinh Hồ Chủ tịch, ngày Quốc khánh) thu được 4.000 bài thi, có bài của anh Nguyễn Quang Tiến, cán bộ Ban Liên hiệp xã thủ công nghiệp gồm gần 100 trang chữ nắn nót. Cuộc thi Tìm hiểu về Hiến pháp và pháp luật có trên 5.000 bài dự thi...

          Đối với các cuộc thi của trung ương phát động, Thư viện tỉnh Nam Định đã tích cực đóng vai trò tham mưu cho bạn đọc thông qua các thư mục phục vụ cuộc thi và trả lời tra cứu tư liệu. Một số bạn đọc được thư viện giúp đỡ đã đạt giải cao trong nhiều cuộc thi cấp trung ương.

          5- TTGTS trên báo và tạp chí là một điểm mạnh của Thư viện tỉnh Nam Định. Hầu hết cán bộ thư viện tỉnh đều có khả năng viết bài và ít nhất một lần được đăng báo và tạp chí. Từ năm 1990 đến nay, Thư viện đã có gần một trăm bài viết đăng báo chí trung ương và địa phương. Các bài viết đăng báo và tạp chí dưới hình thức giới thiệu tác phẩm, điểm một số sách chuyên đề, thông tin thư mục kết hợp thông tin dữ liệu... đã có tác dụng tuyên truyền về thư viện, về sách, qua đó nâng cao nhận thức của bạn đọc và làm tăng số lượt người đến thư viện.

          Nhận thức đúng và làm tốt công tác TTGTS trong nhiều năm qua, Thư viện Nam Định đã vượt qua mọi khó khăn, phát triển không ngừng, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phục vụ công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh. TTGTS cũng là biện pháp quan trọng mà Thư viện tỉnh Nam Định dùng để kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh các khâu công tác khác của thư viện, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục chính trị, bồi dưỡng kiến thức cho bạn đọc, làm tốt chức năng lãnh đạo việc đọc. Công tác TTGTS của Thư viện tỉnh Nam Định được các ngành giáo dục, Bưu điện, thư viện và Phòng Văn hoá Thông tin - Thể thao các huyện, thành phố tích cực ủng hộ bằng việc tổ chức các hội thi cơ sở và hội thi cấp huyện, đã tạo ra đội ngũ đông đảo tuyên truyền viên vững vàng, góp phần phát triển phong trào đọc và thư viện rộng khắp trong tỉnh. Sự vận dụng các hình thức tuyên truyền một cách  sáng tạo, phù hợp với thực tế từng thời kỳ và đạt hiệu quả cao trong công tác TTGTS trong nhiều năm qua là thành tích đáng được ghi nhận của Thư viện tỉnh Nam Định.

TRẦN MỸ GIỐNG

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 28
Hôm nay : 6657
Tháng hiện tại : 128993
Tổng lượt truy cập : 1698588
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html