Nam Định với sách hóa nông thôn

Ảnh: Đồng chí Bạch Ngọc Chiến - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tặng hoa cho các cá nhân đã nỗ lực trong Chương trình Xây dựng Tủ sách lớp học tỉnh Nam  Định

Sách hóa nông thôn (SHNT) là phong trào xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn Việt Nam do anh Nguyễn Quang Thạch - quê xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh khởi tạo và kiên trì theo đuổi.

Năm 2015, nhằm tăng tốc cho dự án, anh Nguyễn Quang Thạch đã thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt suốt 125 ngày, với 1470 km mong “đánh thức nhân tâm”, để 500.000 người Việt trong và ngoài nước chia sẻ trách nhiệm với xã hội, với đất nước bằng cách góp 12 cuốn sách (khoảng 240.000 đồng/ năm) cho chương trình để tình trạng thiếu sách ở nông thôn được giải quyết dứt điểm vào năm 2017.

Khi ấy, SHNT đã đi được một quãng đường khá dài - gần 20 năm, với 10 năm xây dựng ý tưởng, khảo sát thực tiễn, tìm kiếm, thiết kế mô hình tủ sách thích hợp và 7 năm thực hiện. Phần lớn trong hành trình ấy, anh gần như cô độc, dấn thân và hành động mải miết chỉ bởi thôi thúc: Tất cả trẻ em nông thôn đều được đọc sách, được bình đẳng trong việc tiếp cận tri thức. Với anh, hoạt động tự đọc, tự học là thứ sẽ thay đổi tương lai của chính các em, và tương lai đất nước. Việc “để trẻ em thiếu sách là tạo tội ác cho xã hội!”.

Bà cụ anh gặp trên con đường lặn lội cõng sách đã nói: “Chú ấy bị giời đày!”. Bởi để làm cuộc “cách mạng thư viện” mong ước của đời mình, anh đã phải từ bỏ rất nhiều: gia đình, công việc, sức khỏe, … sống cảnh “cơm đường, ngủ bụi”, lăn lộn khắp nơi lo việc bao đồng - “ăn mày” sách cho những đứa trẻ “khát sách”. Nhất là khi, cái việc mất rất nhiều thời gian, tâm sức ấy, lại mặc nhiên bị coi là không sinh lợi, có vẻ lạc lõng giữa thời đại của công nghệ, và sự “lên ngôi” của văn hóa nghe nhìn, của tư duy thực dụng.

Cũng giống như “hiệu ứng hạt mưa” anh từng trông đợi, sự nhiệt tâm, bền bỉ, với những nỗ lực không mệt mỏi của anh đã chạm được đến trái tim rất nhiều người. Cảm phục anh, và bị thuyết phục bởi SHNT họ đã đồng hành cùng anh, chung tay, tiếp sức, sẻ chia trách nhiệm xã hội.

Đến nay, đã có hơn 12.000 tủ sách ra đời ở 27 tỉnh, thành phố trong cả nước giúp hơn 400.000 người dân nông thôn, đặc biệt là học sinh nông thôn có sách đọc. 5 mô hình: Tủ sách dòng họ, Tủ sách lớp em, Tủ sách giáo xứ và Tủ sách Hậu phương - quê hương chiến sĩ… đã minh chứng và phát huy những lợi ích thiết thực trong đời sống xã hội. Mục tiêu của anh là xây dựng 300.000 tủ sách trên toàn quốc vào năm 2017, mang cơ hội cho hơn 10 triệu học sinh nông thôn được tiếp cận với tri thức, tự khai sáng bản thân, góp phần xây dựng một Việt Nam nhân văn và sáng tạo. Tháng 9/2016, Tổ chức UNESCO đã trao Giải thưởng Khai trí quốc tế (International Literacy Prize) cho Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam. Không những thế, SHNT còn được Viện Nghiên cứu học tập suốt đời của UNESCO đưa thành mô hình tham khảo để chia sẻ toàn cầu, đang được Ấn Độ và Indonesia học tập và áp dụng.

Được truyền lửa từ anh, chị Vũ Thị Thu Hà - người khởi xướng phong trào cựu học sinh và những người con xa quê đưa sách về trường cũ đang lan rộng ở Nam Định đã kêu gọi đưa sách về quê hương (Nam Trực) ngay từ tháng 9 năm 2014. Sự háo hức của bọn trẻ  quê chị khi có sách; sự lan tỏa những giá trị tốt đẹp của sách đến những tâm hồn trẻ thơ đã thôi thúc chị quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn và trở thành một trong những người thiện nguyện tích cực nhất của SHNT. Đến nay Nam Trực là huyện đầu tiên của tỉnh đã phủ sách toàn bộ hệ thống giáo dục từ mầm non đến THCS.

Cũng được truyền cảm hứng từ SHNT, đầu năm 2015, Hội Doanh nhân Hải Hậu tại Hà Nội cũng đã khởi xướng xây dựng Tủ sách lớp học cho quê hương. Sau hai năm thực hiện, đã có gần 1000 tủ sách ở các lớp học với khoảng 40.000 đầu sách, với kinh phí thực hiện hơn 2 tỷ đồng. Mục tiêu của Hội là tạo được 1.300 tủ sách cho toàn bộ 79 trường thuộc 35 xã và thị trấn toàn của huyện, thổi bùng được ngọn lửa tri thức, tiếp sức cho sự thịnh vượng của đời sống văn hóa quê nhà.

Rất nhiều mô hình tủ sách SHNT được hình thành: Tủ sách Phụ huynh ở Hải Hậu, Tủ sách lớp học ở Nam Trực, Tủ sách khởi nghiệp của Giao Thủy… đưa sách đến từng lớp học của các em. Việc làm này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em đọc sách và mượn sách, mà còn mang ý nghĩa sâu xa hơn: được sống gần sách, trong “không khí sách” sẽ kích thích các em tò mò, ham muốn đọc. Tình yêu sách của các em có thể nhờ đó lan tỏa, như hiệu ứng domino đến các bạn chưa có thói quen đọc hay chưa thích đọc, đến các thầy cô, và đến cả phụ huynh của các em, theo nguyên lý “thủy triều duyềnh ngược” mà anh Nguyễn Quang Thạch mong đợi. Những tủ sách ấy, khi cùng chung tay quản lý, giữ gìn, các em sẽ được rèn về tính khoa học, ý thức tự giác và tinh thần chia sẻ trách nhiệm. Tủ sách nhỏ, nhưng có thể gieo hạt giống tốt cho tương lai các em, cũng là tương lai của quê nhà, đất nước.

Thực hiện sách hóa nông thôn, những con người thiện tâm như anh Thạch, chị Hà, chị Hương Liên,… gửi gắm rất nhiều hi vọng vào thế hệ tương lai của quê hương. Với họ, phát triển nhân tâm, trí lực, tri thức của con người bền vững phải nhờ đến sách. Họ đã là những người nhóm lửa, nhưng cần hơn là những người truyền lửa và giữ lửa để chương trình thực sự hiệu quả và bền vững. Chính bởi vậy, họ mong muốn nhân rộng hơn nữa tủ sách lớp học, không chỉ ở quy mô cấp trường, hay cấp huyện. Điều họ cần là sự ủng hộ, nâng đỡ của chính quyền các cấp để tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ hơn.

Thấy được ý nghĩa của SHNT, UBND tỉnh Nam Định đã vào cuộc. Nhờ kết nối của đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Bạch Ngọc Chiến, những con người với khát vọng “gieo sách” ấy đã gặp nhau. Họ là những vị lãnh đạo cầu thị, tâm huyết với sự phát triển của tỉnh nhà; là những con người xa xứ luôn hướng về quê hương, mong đóng góp xây dựng quê hương; và cả những người không phải quê Nam Định, nhưng nặng lòng với SHNT, mong tìm mảnh đất tốt để gieo mầm tri thức. Họ cùng ngồi với nhau, cởi mở, lắng nghe nhau bằng sự trân trọng: Những câu chuyện xoay quanh sách và trẻ em; khó khăn được đưa ra; kết quả được quy tụ, trải nghiệm thành công được chia sẻ. Tất cả đều với mục đích thống nhất được đề án chương trình nhân rộng tủ sách, để đưa thật nhiều sách đến tận tay học sinh, kích thích tiềm năng đọc trong cộng đồng.

Nam Định là tỉnh đầu tiên mà lãnh đạo tỉnh thật sự ủng hộ, có hành động quyết liệt tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ thống xã hội đối với SHNT - chủ trương phủ kín tủ sách lớp học. Nhờ đó SHNT thực sự “bùng phát” với rất nhiều tác nhân tạo ra hệ thống tủ sách lớp học với tốc độ nhanh chóng.

Ngày 29/4/2016, trong chuỗi hoạt động Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3, chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học tại Nam Định” đã được phát động với mục tiêu phủ sách toàn bộ 10 huyện và thành phố của tỉnh để 424.575 em học sinh của 12.662 lớp và nhóm lớp học từ Mầm non đến THPT và GDTX đều được tiếp cận với sách phù hợp.

Ngay trong ngày phát động, 1.700 tủ sách đã được 15 đơn vị, cá nhân trao tặng cho các trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định. Tới khai giảng 5/9/2016, 40.849 cuốn sách tiếp tục được gửi tới các em. Hành động thiết thực, đầy tính nhân văn ấy đã đưa đến cho trẻ em Nam Định không chỉ là sách, là tri thức mà là tình yêu thương, sự quan tâm, động viên, chia sẻ kịp thời.

Chương trình đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các thầy cô giáo, sự ủng hộ nhiệt tình của những bậc phụ huynh, các em học sinh, và đặc biệt là những người con của quê hương Nam Định đang sinh sống và làm việc trên khắp miền đất nước.

Ngày 4/5/2016, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định Đỗ Anh Xô đã ra công văn số 540/ SGDĐT GDCN&TX về việc thực hiện chương trình xây dựng 12.662 tủ sách lớp học,  lôi kéo hệ thống giáo dục trong toàn tỉnh vào cuộc tạo ra những chuyển biến tích cực và sâu rộng.

Ngay sau đó, lãnh đạo UBND các huyện, Phòng Giáo dục và đạo tạo, BGH các trường,  Hội Doanh nhân,... cũng đã thành lập ban vận động, họp bàn cùng hành động, quyết tâm phủ toàn bộ tủ sách lớp học.

Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chung tay với SHNT, cam kết giảm 50% giá vận chuyển từ Hà Nội về Nam Định, và Bưu điện Nam Định vận chuyển sách SHNT miễn phí trên địa bàn tỉnh.

Thư viện Nam Định với chức năng là thư viện trung tâm, đã tích cực hướng dẫn nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn, tăng cường luân chuyển sách cho các trường khi xây dựng thư viện, tủ sách lớp học.

Với những nỗ lực không ngừng, sau một năm thực hiện, chương trình xây dựng 12.662 tủ sách lớp học Nam Định đã có được những thành tựu bước đầu quan trọng. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm này đã xây dựng được hơn 8.533 tủ sách lớp học với hơn 530.250 bản sách /129.144 đầu sách, tổng trị giá là hơn 11 tỷ 408 triệu đồng.

Nhiều huyện đã xây dựng  được rất nhiều tủ sách: Hải Hậu: 933 tủ, Nam Trực: 781 tủ, Giao Thủy: 680 tủ, Nghĩa Hưng: 478 tủ với giá trị đầu tư khá cao: Hải Hậu: 2 tỷ 157 triệu đồng, Xuân Trường: 1 tỷ 215 triệu, Nam Trực: 1 tỷ 168 triệu, Giao Thủy: 1 tỷ 084 triệu…

Phong trào đưa sách về trường cũ, chung tay xây dựng tủ sách cho các em… vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng, và ngày càng được nhân rộng. Các tủ sách nối tiếp nhau ra đời, dự kiến đến tháng 7/2017 sách sẽ phủ kín các trường trong toàn tỉnh, hoàn thành mục tiêu xây dựng 12.662 tủ sách đã đề ra.

Mọi người cùng đồng lòng, sẽ tạo lên sức mạnh to lớn, vững chắc hơn rất nhiều khi xây dựng nền tảng văn hóa đọc trên mảnh đất Nam Định văn hiến. Như lời đồng chí Bạch Ngọc Chiến: “Thực ra, 12.662 tủ sách tương đương 13 tỷ đồng không phải số tiền lớn và tỉnh hoàn toàn có thể bỏ ra để hoàn thành nhanh chóng. Nhưng nếu đó là số tiền đóng góp tự nguyện và xuất phát từ nhận thức của người dân thì giá trị được nhân lên hàng trăm lần. Chúng tôi coi đây là phong trào để khích lệ văn hóa đọc, khích lệ thái độ có trách nhiệm với tương lai”. Hi vọng ngọn lửa thắp sáng tương lai các em, sẽ được giữ gìn và lan tỏa. 

                                         TỐNG HẠNH

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 7
Hôm nay : 468
Tháng hiện tại : 14389
Tổng lượt truy cập : 1257484
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html