Bước chuyển đổi trong công tác phân loại tài liệu tại thư viện tỉnh Nam Định

Công tác phân loại luôn được các thư viện trong nước cũng như trên thế giới hết sức quan tâm. Phân loại tài liệu là một khâu quan trọng giúp cho việc kiểm soát thư mục, góp phần thúc đẩy việc khai thác, trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Phân loại còn được áp dụng trong việc tổ chức kho mở và tra cứu thông tin.

Để đảm bảo cho việc thống nhất, chuẩn hoá, hội nhập và phát triển sự nghiệp Thư viện Việt Nam nói chung và sự nghiệp Thư viện tỉnh Nam Định nói riêng với cộng đồng Thư viện thế giới cần có những chuyển đổi trong công tác Thư viện cũng như phân loại tài liệu tức là áp dụng các chuẩn quốc tế.

Thực hiện sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Vụ thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam, trong những năm qua Thư viện tỉnh Nam Định với những điều kiện riêng về lịch sử, nguồn nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đã có những nỗ lực nhất định trong việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế vào hoạt động Thư viện mình.

Trước tháng 6 / 2007 Thư viện tỉnh Nam Định cũng như các Thư viện khác trong hệ thống Thư viện công cộng áp dụng mô tả tài liệu theo ISBD và bảng phân loại 19 lớp của Thư viện Quốc gia biên soạn.

Từ tháng 6 / 2007 thực hiện sự chỉ đạo của Vụ thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam. Thư viện Nam Định bắt đầu chuyển sang áp dụng khung phân loại thập phân Dewey (khung phân loại DDC  ấn bản rút gọn 14 ).

Khung phân loại DDC do nhà Thư viện học người Mỹ nổi tiếng Melvin Dewey (1851 - 931 ) biên soạn vào năm 1873 và xuất bản lần đầu năm 1876. Ông chia toàn bộ tri thức nhân loại thể hiện trên các xuất bản phẩm là 10 lớp chính với 1000 đề mục ( 000 - 999) được kí hiệu bằng chữ số Ả Rập. Mỗi mục kí hiệu bằng số thập phân thích hợp có khả năng mở rộng.

Khung phân loại DDC là hệ thống phân loại được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Có 200000 Thư viện ở 135 nước đang sử dụng; chỉ số phân loại DDC được sử dụng nhiều trong thư mục quốc gia ở hơn 60 nước, trong đó có 15 nước thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, 17 nước Châu Phi, 13 nước Châu Mỹ, 8 nước Châu Âu, 7 nước Trung Đông. Trong 125 năm tồn tại, DDC đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới, 11 bản dịch đang được tiến hành, một số nước đã đưa kí hiệu DDC vào mục lục điện tử và thư mục trên máy tính.

Khung phân loại DDC thể hiện rõ những tiêu chí và tính khoa học, hiện đại, mềm dẻo, thường xuyên được cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xuất bản và mang tính quốc tế cao.

 Nắm bắt được việc sử dụng DDC đã trở thành xu thế tất yếu, tiến tới thống nhất và chuẩn hoá về nghiệp vụ, chia sẻ thông tin toàn cầu, nên trước khi thực hiện chuyển đổi, Thư viện tỉnh Nam Định đã cử cán bộ quản lí và chuyên môn đi tham dự lớp tập huấn về khung phân loại DDC và khổ mẫu Marc 21 do Thư viện Quốc gia tổ chức ở Hải Phòng. Sau khi học về đã tập trung một số cán bộ có trình độ nghiên cứu tài liệu tập huấn của Thư viện Quốc gia, khung phân loại DDC cấn bản rút gọn 14, thực hiện phân loại mẫu một số tài liệu thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau. Gọi điện trao đổi, học hỏi với các Thư viện bạn. Từ đó rút kinh nghiệm, đi đến thống nhất cách phân loại.

Dựa trên tài liệu tập huấn của Thư viện Quốc gia và khung phân loại DDC Thư viện tỉnh Nam Định đã biên soạn tài liệu hướng dẫn phân loại cho phù hợp với thực tế đơn vị đồng thời tổ chức lớp tập huấn DDC cho toàn bộ cán bộ Thư viện tỉnh và một số thư viện cấp huyện, Thư viện trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trong tỉnh. Thống nhất cách tổ chức kho, tổ chức hệ thống mục lục trong quá trình chuyển đổi.

Tất cả những sách mới nhập từ tháng 6 / 2007 của các kho đều được xử lý theo khung phân loại DDC. Đối với kho mở phòng mượn vì chưa có điều kiện để hồi cố và mở rộng diện tích tổ chức sắp xếp lại kho nên phải áp dụng phương pháp xếp song song, các sách có cùng nội dung có kí hiệu phân loại cũ và mới được xếp cùng một chỗ. Đầu mỗi giá sách có bảng chỉ dẫn theo môn loại DDC cho bạn đọc dễ tìm tài liệu.

Đối với hệ thống mục lục ở các kho: Mục lục phân loại những sách chưa hồi cố vẫn để nguyên theo phân loại cũ, những sách phân loại theo DDC thì tổ chức mục lục mới. Mục lục chữ cái theo tiêu đề mô tả chính tên tác giả và tên tài liệu thì xếp chung tài liệu theo phân loại cũ và mới để tiện cho bạn đọc tra tìm theo vần chữ cái.

Việc chuyển đổi từ bảng phân loại 19 lớp của Thư viện Quốc gia sang khung phân loại DDC ấn bản rút gọn 14 đã được 3 năm nhưng trong quá trình chuyển đổi vẫn còn gặp không ít những khó khăn do lực lượng cán bộ được đào tạo về DDC còn rất mỏng, hầu như chưa có kinh nghiệm phân loại DDC, việc tiếp cận DDC còn rất nhiều bỡ ngỡ do có sự khác biệt rất lớn về nguyên tắc, cấu trúc, định kí hiệu so với bảng phân loại 19 lớp vốn đã nhiều năm ăn sâu vào tư duy cán bộ thư viện, bên cạnh đó nguồn kinh phí cấp cho hoạt động thư viện còn hạn chế. Vì vậy tiến độ hồi cố còn chậm.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với lực lượng trẻ cán bộ thư viện tỉnh Nam Định không ngừng học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi cho đến nay sau ba năm chuyển đổi đã xử lí được trên 25000 bản sách theo khung phân loại DDC. Đặc biệt kho sách của phòng đọc thiếu nhi đã được hồi cố chuyển đổi toàn bộ sang DDC, hệ thống mục lục tra cứu cũng được hoàn thiện và được sắp xếp rất khoa học, hợp lí và thuận tiện cho các cháu đến thư viện tìm sách đọc.

Trên đây là một số vấn đề qua hoạt động thực tiễn chuyển đổi khung phân loại DDC mà Thư viện tỉnh Nam Định đã thực hiện. Rất mong được sự quan tâm chia sẻ của các cấp lãnh đạo quản lí, các nhà chuyên môn, các bạn bè đồng nghiệp để sự nghiệp Thư viện Việt Nam nói chung và Thư viện tỉnh Nam Định nói riêng ngày càng phát triển, đạt được những tầm cao mới trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Lê Thị Hạnh

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 8
Hôm nay : 121
Tháng hiện tại : 2465
Tổng lượt truy cập : 1289588
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html