Giao Thủy với công tác xã hội hóa hoạt động thư viện

Thời gian gần đây, hoạt động của hệ thống thư viện huyện gặp rất nhiều khó khăn. Do kinh phí hạn hẹp lại không thường xuyên, một số thư viện huyện phải hoạt động chừng; có thư viện không được bố trí ngân sách bổ sung tài liệu, phải trông chờ vào nguồn sách báo từ chương trình mục tiêu quốc gia và kho sách luân chuyển của thư viện tỉnh. Cán bộ thư viện vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và hầu hết đều phải kiêm nhiệm thêm việc khác, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công tác chuyên môn. Trụ sở, trang thiết bị cho thư viện còn nghèo nàn, thiếu thốn hoặc cũ hỏng, xuống cấp... Trong khi các loại hình văn hoá khác phát triển từng ngày thì hệ thống thư viện cấp huyện không hề có sự thay đổi đáng kể nào, vẫn như cách đây hàng chục năm trước. Hình thức hoạt động phần nhiều vẫn đơn điệu, kém hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh đó, sự phát triển của văn hóa nghe nhìn đã làm mai một và mất dần văn hóa đọc của một bộ phận người dân... đẩy nhiều thư viện vào tình trạng "đìu hiu", "èo uột".

Nam Định từng là tỉnh có hoạt động thư viện huyện mạnh nhưng hiện nay hệ thống thư viện cơ sở của Nam Định cũng không nằm ngoài thực trạng đó. Chỉ một số ít thư viện huyện có trụ sở riêng (Hải Hậu, Ý Yên,...) còn lại nằm chung trong trụ sở của Phòng/ Trung tâm văn hóa; một số thư viện đặt khiêm tốn bên cánh gà của Nhà văn hóa. Thiếu không gian trầm trọng. Có huyện, tất cả sách báo, giá sách đều được đóng gói cẩn thận, đặt dưới gầm cầu thang. Thư viện đã không phát huy được vai trò và hiệu quả hoạt động của mình, gây lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên tri thức. Thất vọng và bất lực, là suy nghĩ của chúng tôi - những người làm công tác xây dựng phong trào cơ sở. Phải làm sao để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, duy trì và phát triển hệ thống thư viện huyện, thư viện cơ sở, thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng? Khi thư viện tỉnh chỉ quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ, chúng tôi có thể làm gì hơn ngoài việc chờ đợi sự quan tâm củachính quyền địa phương và sự nỗ lực của chính các thư viện ấy. Bởi một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thực trạng hoạt động kém hiệu quả của hệ thống thư viện huyện là do sự xem nhẹ của chính các cơ quan quản lý. So với các thiết chế văn hóa khác, hoạt động thư viện chưa thực sự được quan tâm do không  được nhìn nhận đúng sự cần thiết của hệ thống thư viện huyện, cơ sở...

Nhìn nhận được vấn đề đó đã khó, thực hiện còn khó hơn. Bởi kinh phí hoạt động hạn hẹp, các Phòng/ Trung tâm văn hóa lại phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, và phải đặc biệt chú trọng đến các hoạt động bề nổi (thông tin cổ động, thể thao...). Không thể mãi trông chờ vào nguồn ngân sách của huyện, xã, đã đến lúc các thư viện cơ sở phải có những bước đi tích cực, năng động hơn. Giao Thủy đã tìm được cho mình một hướng đi phù hợp. Đó là đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, trong đó có hoạt động thư viện theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/NQ - CP của Chính phủ. Với chủ trương, chính sách đúng đắn, Giao Thủy đã huy động được các nguồn lực trong việc xây dựng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, mang lại những hiệu quả hết sức thiết thực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Việc đưa "Thư viện điện tử khoa học công nghệ nông thôn" vào hoạt động là kết quả rõ nhất của sự vận động xã hội hóa hoạt động thư viện của Giao Thủy.

Thư viện Giao Thủy đã có một thời gian gần như không hoạt động do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.  Nhờ sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư trực tiếp của lãnh đạo cấp huyện, sự tâm huyết của những cán bộ làm công tác văn hóa, việc củng cố hoạt động thư viện, tích cực xây dựng mạng lưới thư viện cơ sở trở thành một trong những công tác trọng tâm của ngành văn hóa, thể thao và du lịch Giao Thủy.

Thư viện Giao Thủy đã có trụ sở tuy không riêng biệt nhưng nằm ở vị trí trung tâm, với trang thiết bị có thể đảm bảo yêu cầu bảo quản tài liệu và phục vụ thuận lợi cho người đọc. Bên cạnh việc tiến hành thanh lọc những tài liệu không còn giá trị, đã cũ hỏng Giao Thủy cũng tăng cường bổ sung vốn tài liệu phù hợp với yêu cầu tin của nhân dân và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2012, với sự tài trợ của do ông Vũ Kông Xuất ở xóm 7, Quyết Thắng, xã Giao Tiến, Thư viện Giao Thủy đã bước đầu tiếp cận và triển khai để đưa "Thư viện điện tử khoa học công nghệ nông thôn" nhanh chóng đi vào hoạt động vào hoạt động.

Thư viện điện tử này đã mang lại lợi ích to lớn  cho người dân Giao Thủy. Với những ưu thế của hệ thống lưu trữ và tìm tin hiện đại, người dân có thể tiếp cận với những thông tin họ mong muốn một cách dễ dàng, nhanh chóng, chính xác, đầy đủ nhất. Hơn nữa, đó là kho tra cứu tin bách khoa bao gồm:  trên 424 bộ phim khoa học và công nghệ chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, máy móc thiết bị nông nghiệp, chế biến nông sản, thú y, công nghệ sau thu hoạch, giao thông nông thôn, quy hoạch nông thôn...); 5.190 hồ sơ trong cơ sở dữ liệu chuyên gia, tổ chức tư vấn và chuyên giao công nghệ ;  1.076 giáo trình đào tạo trong các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học; 1.053 tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật;  47.322 tài liệu toàn văn được số hoá thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: thông tin, triết học, tâm lý học, tôn giáo, khoa học xã hội, văn học, nghệ thuật, lịch sử, địa lý...  Lượng tài liệu này tương đương với vốn tài liệu của một thư viện cấp tỉnh, có thể thỏa mãn mọi nhu cầu thông tin giải trí, học tập, nghiên cứu người dân. Đặc biệt, với mục đích phổ biến kiến thức khoa học, thông tin chuyển giao công nghệ phục vụ cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, dữ liệu của thư viện này giúp người dân tiếp cận với những thông tin thiết thực cho hoạt động sản xuất và phục vụ đời sống; góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Với công trình này, Thư viện Giao Thủy còn được trang bị 10 máy tính để bàn được kết nối Internet, 1 máy chiếu đa năng và hệ thống bàn ghế đủ tiêu chuẩn phục vụ bạn đọc đến tra cứu thông tin... Điều đó đã tạo tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ thư viện theo hướng chuẩn hóa và hội nhập của Giao Thủy sau này.

Cùng với việc tài trợ cho huyện Giao Thủy, ông Vũ Kông Xuất cũng đã tài trợ một công trình tương tự cho xã Giao Tiến. Những tấm lòng như thế đã góp phần phát triển, đa dạng hóa các loại hình thư viện cơ sở phục vụ cộng đồng.  

Trong công cuộc kết nối trí thức với người dân ấy,không thể không nhắc đến gia đình Thiếu tướng Hoàng Kiền. Ông là người con của xã Giao Thịnh.  Cuộc đời binh nghiệp, lại gánh trên vai trách nhiệm nặng nề của một vị tướng, ông vẫn ước nguyện được đóng góp xây dựng cho quê hương. Điều ông mong mỏi là xây dựng một nhà triển lãm để lưu giữ, trưng bày hiện vật và một thư viện để người dân có thể đến đọc sách miễn phí. Được UBND xã Giao Thịnh ủng hộ, tạo điều kiện về quỹ đất, vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền đã đầu tư xây dựng “Khu văn hoá truyền thống” như một sự tri ân với quê hương, nguồn cội. “Khu văn hoá truyền thống” có diện tích hơn 5.000m2 kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng được khởi công xây dựng từ tháng 3-2010. Bên cạnh khu trưng bày, giới thiệu các vật dụng sinh hoạt trong sản xuất và đời sống của người dân nông thôn Bắc Bộ có niên đại gần 100 năm trở lại đây, còn có khu thư viện và phòng đọc sách với trên 1.000 đầu sách với các sách về phong tục tập quán của quê hương Nam Định, sách y học, danh nhân, văn hoá ẩm thực, khoa học kỹ thuật, lịch sử, nghệ thuật, quân đội… và nhiều loại tạp chí giới thiệu các danh lam thắng cảnh, cổ vật, con người và đất nước Việt Nam. Theo dự kiến thì đến cuối năm 2013, công trình chính thức đưa vào sử dụng, người dân sẽ có điều kiện được hưởng thụ các thành quả mà văn hoá nói chung và sách báo nói riêng mang lại cho cuộc sống của họ.

Có thể nói, chủ trương xã hội hóa ở Giao Thủy đã đạt được những kết quả hết sức ý nghĩa.  Đẩy mạnh công tác xã hội hóa ở Giao Thủy không chỉ đánh thức được tiềm năng, phát huy công sức, trí tuệ trong nhân dân, giảm nhẹ được gánh nặng ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực to lớn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương mà nó có ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều. Những hoạt động này đã tạo được hiệu ứng tốt, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân  trong cuộc vận động "cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới". Với chúng tôi, những người làm công tác thư viện, vẫn có quyền tin tưởng thư viện huyện, thư viện cơ sở sẽ vượt qua thời điểm khó khăn, có những bước tiến dài vững chắc... Bởi vẫn còn rất nhiều những người mong muốn đem tri thức để góp phần xây dựng quê hương, coi việc đọc và làm theo sách báo mới thực sự là hướng xóa đói, giảm nghèo thực sự bền vững...

Tống Hạnh

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 6
Hôm nay : 107
Tháng hiện tại : 2451
Tổng lượt truy cập : 1289574
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html