Giới thiệu sách: "Thành Nam Xưa" - Vũ Ngọc Lý

                                                 Hoàng Thiện Tuấn
                 (Nguyên  Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định)


Quê hương muôn thuở là nguồn cảm hứng sáng tác của thơ ca, nhạc họa, như lời bài hát "Quê hương” vang lên thật thiết tha: "Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương là đường đi học con về rợp bướm vàng bay. Quê hương mỗi người chỉ một như là chỉ một mẹ thôi, quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người”.
Quê hương đẹp sâu nặng nghĩa tình như vậy song mấy ai trong chúng ta đã hiểu biết về quê hương mình, nơi chính mình đã sinh ra và lớn lên. Quê hương không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tác của các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ mà còn là niềm đam mê của các nhà nghiên cứu, các nhà sử học, các tác gia của mọi thời đại. Đã có nhiều cuốn sách viết về quê hương được xuất bản, nó giúp chúng ta không phải mất nhiều thời gian mà cũng có thể hiểu được một phần nào về chính quê hương mình.
Với tình yêu quê hương tha thiết, dành cả cuộc đời tìm hiểu và nghiên cứu về quê hương thành phố Nam Định, tác giả Vũ Ngọc Lý (sinh năm 1922 tại thành phố Nam Định là hội viên hội VHNT Nam Hà, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, phó chủ nhiệm đoàn luật sư Nam Hà, ủy viên chấp hành Hội Luật gia Nam Hà) đã hoàn thành và cho ra mắt bạn đọc cuốn "Thành Nam xưa” vào năm 1995 và tái bản lần thứ nhất có sửa chữa bổ sung vào năm 1997. Cuốn sách do Sở Văn hóa Thông tin Nam Định xuất bản với số lượng 700 bản, khổ 13x19 cm. Vũ Ngọc Lý còn là tác giả của tác phẩm "Dấu hiệu bộ tứ” (sách dịch) và "Lịch sử dân tộc Hà Nam Ninh” (in chung).
Cuốn "Thành Nam xưa" trên 300 trang không chỉ đơn thuần là sách viết về thành phố Nam Định xưa mà nó thực sự là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc về địa phương giàu truyền thống văn hiến. Để hoàn thành cuốn sách, tác giả Vũ Ngọc Lý đã dày công nghiên cứu chắt lọc tư liệu viết từ cuối thế kỷ 18, trong thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và bằng vốn sống, vốn hiểu biết nhất là vốn ngoại ngữ Pháp văn, tác giả còn sưu tầm nghiên cứu điều tra tại chỗ các cổ sử, thần phả, ngọc phả, văn bia, gia phả, các thư tịch của các cục lưu trữ, bảo tồn, bảo tàng. Sách được bố cục khá mạch lạc, nội dung gồm 6 chương, khái quát khá đầy đủ bức tranh toàn cảnh về sự ra đời và phát triển, điều kiện địa lý tự nhiên, kinh tế chính trị, văn hóa, giáo dục, xã hội tín ngưỡng và phong trào chống Pháp của Thành Nam xưa.
Mở đầu cuốn sách, chương 1 tác giả khẳng định thành phố Nam Định đã có 700 năm lịch sử trên một vùng đất cổ.

Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam Định có bến đò chè
Có dinh tổng đốc, có nghề ươm tơ.

Khúc hát trao duyên trên của một chàng trai Thành Nam xưa nhắn gửi cô gái phương xa đã toát lên sự hấp dẫn, niềm tự hào về quê hương mình là một đô thị lớn sầm uất, là trung tâm buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền. Thành Nam xưa được coi là một thành phố sống với đầy đủ những nét đặc thù của nó nằm trên một diện tích 6 km2 và chỉ cách thủ đô Hà nội 87km. Đó là sự phát triển giao lưu buôn bán đường thủy, các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Một câu hỏi được đặt ra khi ta đọc chương 1 của cuốn sách này là thành Nam xưa có 700 năm lịch sử vậy thì Thành Nam được hình thành vào khoảng năm bao nhiêu? Ở triều đại vua nào? Được ghi chép vào tài liệu sử sách nào? Để trả lời câu hỏi này xin mời các bạn đọc kỹ và suy luận từ trang 16 đến trang 18. Những địa danh đến ngày nay đã trở thành thân quen và tự hào của mỗi người dân Thành Nam như Túc Mặc, Thiên Trường, Vị Hoàng lại là những tên đất, tên làng có từ thuở khai sinh lập nghiệp của Thành Nam cổ. Những địa danh này càng trở nên nổi tiếng hơn khi nó lại gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của các vị vua Trần và các danh nhân mà tiêu biểu là anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Trải qua bao thời gian biến đổi, xoay vần của tạo hóa từ đô thị cổ ngày xưa đến cái tên Nam Định, mảnh đất Thành Nam đã trải qua bao triều đại từ nhà Trần, nhà Lê, Quang Trung, Tây Sơn rồi nhà Nguyễn. Trong quá trình biến đổi này Thành Nam đã xuất hiện nhiều tên đất, tên làng mới nổi tiếng đến ngày nay như chùa Vọng Cung, Cột Cờ, làng hoa Vị Hoàng. Trong chương I này tác giả còn nêu lên những sự kiện lịch sử từ khi Thành Nam ra đời đến thế kỷ 19. Đặc biệt chú ý là sự kiện đời Hồng Đức, lộ Thiên Trường được đổi làm Thừa Tuyên Sơn Nam quản 11 phủ, 12 huyện.
Năm 1804 vua Gia Long cho đắp 1 tòa thành bằng đất trên địa hạt làng Vị Xuyên và Năng Tĩnh huyện Mỹ Lộc. Năm Minh Mạng thứ 3 trấn Sơn Nam đổi là trấn Nam Định thống lĩnh cả Hưng Yên. Năm Minh Mạng thứ 13(1832) vua Minh Mạng đổi trấn Sơn Nam thành tỉnh Nam Định thông lĩnh hạt Ninh Bình.
Chương 2 khái quát những nét lớn về chính trị của thành cổ Nam Định mà về vị trí được khẳng định chỉ đứng sau Hà Nội. Tác giả cung cấp cho chúng ta một bản đồ tổng thể về thành cổ Nam Định do H. River chỉ đạo đội đồ bản cuộc hành quân sau khi hạ thành Nam Định ngày 27/3/1883.
Qua bản đồ này chúng ta hình dung được khá cụ thể về vị trí địa lý, chính trị của Thành Nam ở thế kỷ 19 với 10 địa danh chủ yếu, có những nơi mà tên tuổi vẫn còn tồn tại đến ngày nay như chùa Vọng Cung, Cột Cờ.
Ngoài thành cổ Nam Định tác giả còn mô tả vị trí quá trình hình thành tên gọi của 3 làng được coi là nền tảng xây dựng nên thành tỉnh Nam Định là làng Vị Hoàng, làng Phù Long, làng Năng Tĩnh. Tác giả thống kê các thôn với lịch sử hình thành phát triển, tình hình kinh tế, chính trị, phong tục, tập quán, lễ hội, tôn giáo, dòng họ, học vấn đỗ đạt, các ngành nghề truyền thống của từng làng. Ví dụ như 3 làng Khoái Đồng, Vị Khê, Phù Hoa (Phù Nghĩa) chuyên trồng rau, hoa cây cảnh phục vụ cho vương cung Thiên Trường.
Tình hình chính trị xã hội của Thành Nam có nhiều thay đổi khi quân Pháp đánh chiếm Thành phố vào năm 1883.
 Thời kỳ này 1 số trường học đã được xây dựng, tiêu biểu là vào năm 1924 ra đời trường cao đẳng tiểu học còn gọi là trường Thành Chung hay trường Caro với 4 năm học hoàn chỉnh. Trường đã được xây cất ngay trên đất Bến Ngự. Phong trào học sinh yêu nước bãi khóa cũng bắt đầu nổi dậy từ đấy. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Đặng Xuân Khu (cố tổng Bí thư Trường Chinh) là những người cầm đầu phong trào này và bị đuổi khỏi trường cùng hàng trăm học sinh  khác.
Nói đến những nét lớn về chính trị của Thành Nam tác giả đã dành một số trang đáng kể viết về phố xưa, về hệ thống quan lại từ thời Nguyễn và hệ thống các công sở thuộc Pháp bao gồm tên các công sở như: Tòa quan chính công sứ, nhà Giấy, Tòa án Tây, danh sách tên và năm giữ chức của các tổng đốc Nam Định người Việt kể từ khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Định, danh sách các công sứ Nam Định do người Pháp nắm giữ.
Đến thế kỷ 19 Thành Nam đã trở thành một thành phố đô hội có tới 12 phố chỉ đứng sau Hà Nội 36 phố phường. Đọc phần này ta sẽ bắt gặp những tên phố rất thân quen nhưng lại đã có từ xa xưa như phố Cửa Bắc, phố Hàng Đồng, Hàng Cấp.
Sự phát triển kinh tế của Thành Nam xưa được tác giả khái quát ở chương 3 một lần nữa dựa trên các tư liệu thành văn, ngọc phả, gia phả các dòng họ, các bia, các bài minh ở các đền chùa, các tư liệu sống là các cụ cố lão địa phương; Tác giả khẳng định Nam Định xưa vừa là 1 trung tâm thương mại quan trọng, vừa là 1 thành phố có các nghề thủ công phát triển. Để minh chứng cho nhận định trên tác giả đã lý giải việc thu hút các thợ thủ công giỏi từ Hòa Bình, Hà Tây, Hải Phòng, Hà Bắc, Thái Bình tập trung về Nam Định. Đồng thời tác giả cũng đã mô tả một cách đầy đủ và sinh động về những đường phố có nghề thủ công cũng như những đường phố gắn liền với hoạt động thương mại của Thành Nam xưa.
Ta hãy nghe một đoạn tác giả viết về 1 đường phố có nghề thủ công ở Thành Nam xưa (trang 122) phố Vải Màn dài 230m...
Hay một đoạn khác tác giả nói về một phố buôn bán sầm uất như phố Hàng Đồng (trang 142). Hoặc chợ của Thành Nam xưa mà trung tâm thương mại lớn nhất là chợ Rồng:

Dù ai buôn đâu, bán đâu
Chợ Rồng đệ nhất Tiên Châu thì về
Chợ Rồng họp suốt quanh năm
Khách thương tứ xứ về thăm nhớ đời.

Đọc từ trang 144 đến trang 146 ta sẽ thấy hiện lên chợ Rồng của Thành Nam xưa vừa đồ sộ, vừa sầm uất, luôn ồn ào náo nhiệt.
Sự mở mang các nhà máy của người Pháp, nhất là sự ra đời của nhà máy Tơ, nhà máy Sợi, rồi cả một khu công nghiệp sợi dệt sau này là kết quả của chính sách khai thác thuộc địa, cướp ruộng đất, cướp tài nguyên và bóc lột nhân công của thực dân Pháp. Trang 152 - 162 cung cấp cho bạn đọc những nét cơ bản về quá trình và quy mô khai thác công nghiệp của thực dân Pháp, nhất là sự ra đời và phát triển của khu công nghiệp sợi dệt tại thành phố Nam Định.
Sự phát triển giáo dục của Thành Nam xưa được tác giả trình bày ở chương 4 từ trang 163 đến trang 230. Thành Nam xưa được coi là nơi phát triển giáo dục sớm là nơi có nhiều người đậu đại khoa và là nơi có trường thi Hương và các khoa thi Hương. Qua chương 4 phần nào ta hình dung được việc học thời xưa, hiểu được công việc tổ chức, các quy chế thi cử, tuyển chọn và bổ nhiệm nhân tài (trang 181). Trường thi Nam Định chuyên tổ chức các kỳ thi Hương và rèn đúc nhân tài cho cả nước là niềm tự hào lớn về nền văn hiến của người Thành Nam. Chỉ tính triều Nguyễn, từ đời Gia Long năm thứ 6 mở khoa thi (1807) đến năm Thành Thái thứ 3(1925) trường thi Nam Định đã có 35 kỳ thi Hương cung cấp cho đất nước 1645 cử nhân trong đó có 175 người thi Hội đỗ tiến sĩ.
Khi viết về sự phát triển giáo dục của Thành Nam xưa tác giả còn đề cập đến Văn Miếu - công trình được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 14(1833), Đây không chỉ là nơi thờ Khổng Tử mà còn là danh lam thắng cảnh với các ngôi đình mái cong, lầu khuê văn, hồ sen, cây cảnh, cây cổ thụ. Đọc đoạn tả về Văn Miếu của Thành Nam cổ ta có cảm giác luyến tiếc cho Thành Nam hiện đại không còn giữ được một danh lam thắng cảnh xưa.
Việc học thời Pháp thuộc ở các trường học lớn cũng được tác giả đề cập đến trong chương 4. Qua đây ta có thể biết được chế độ, quy chế thi cử các cấp học của thời Pháp thuộc và có dịp tìm hiểu 2 ngôi trường lớn của Thành Nam xưa cùng với lịch sử hình thành và phát triển của nó, đó là trường cửa Bắc và trường Thành Chung. Trong 2 ngôi trường lớn này thì trường Thành Chung là trường nổi tiếng có bề dày truyền thống của các thế hệ thầy trò, rất nhiều nhà hoạt động cách mạng học và ra đi cứu nước từ trường Thành Chung mà nổi tiếng nhất là cố tổng Bí thư Trường Chinh.
Sự phát triển văn hóa tín ngưỡng, xã hội của Thành Nam xưa được tác giả khắc họa một số nét tiêu biểu ở chương 5, đó là các sinh hoạt tín ngưỡng, là vài hình ảnh văn hóa xã hội thời Pháp thuộc.
Về Tôn giáo, ở Nam Định xưa cùng lúc tồn tại cả Khổng giáo, Phật giáo và Thiên chúa giáo. Bên cạnh các đình chùa miếu mạo thì cũng có nhiều nhà thờ, nhà xứ trầm tĩnh trong sương chiều.
Dân Thành Nam trọng lễ nghĩa, tôn sư trọng đạo, các phong tục tập quán được duy trì trong các ngày lễ tết, đám hiếu, đám hỉ, dựng vợ gả chồng chọn đất cất nhà.
Gần đây người ta thường nói nhiều đến nền Văn hóa ẩm thực. Thành Nam xưa cũng có một nền Văn hóa ẩm thực phong phú và thú vị, điều này được tác giả mô tả khá tỉ mỉ ở chương 6 (Phong vị quê hương). Rất nhiều món ăn đặc sản của Thành Nam tác giả đã nhắc tới mà một vài món không thể nào ta không nhắc tới như bún chả phố Vải Màn, chuối ngự Đại Hoàng, kẹo Sừu Châu Hàng Sắt. Xin mời đọc từ trang 250 đến trang 269 các bạn sẽ tìm thấy nhiều món ăn ngon và lạ của Thành Nam xưa và nay.
 Chương bẩy và cũng là phần cuối cùng của cuốn sách tác giả trình bày với bạn đọc một cách khái quát phong trào chống Pháp của nhân dân Thành Nam. Những chí sĩ và nhân dân Thành Nam đã tỏ rõ lòng yêu nước, yêu quê hương, ý chí khảng khái đối với thực dân Pháp ngay từ những ngày đầu chúng đặt chân lên đất nước ta. Đó là tấm gương tiến sĩ Phạm Văn Nghị đốc học Nam Định cùng với các nghĩa quân như phó bảng Đặng Ngọc Cầu, Án sát Quảng Nam Phạm Văn Xưởng, thủ khoa Hoàng Văn Tuấn... Mặc dù không được triều đình chấp thuận song được nhân dân ủng hộ, Phạm Văn Nghị đã đứng ra mộ quân chống Pháp, ít lâu sau đại nghĩa dũng quân được thành lập với số quân lên tới 365 người.
Trong chương 7 tác giả đã mô tả khá chi tiết cuộc xâm chiếm Thành Nam của giặc Pháp và quá trình chống trả quyết liệt của quân và dân Thành Nam. Tác giả thuật lại khá sinh động các cuộc đọ súng quyết liệt giữa quân dân Thành Nam với giặc Pháp. Nhiều địa danh gắn liền với những chiến công oanh liệt. Mặc dù có sự chênh lệch về lực lượng và vũ khí, quân dân Thành Nam đã tỏ rõ ý chí kiên cường, tinh thần yêu nước nồng nàn, chống trả quyết liệt quân Pháp, làm nhụt ý chí xâm lược của chúng.
Thành Nam thất thủ rơi vào tay Pháp lần thứ nhất vào trưa ngày 11/12/1873 nhưng nhân dân Thành Nam không chịu khuất phục đã sớm tập hợp lực lượng phong trào chống Pháp và cuộc bạo động vẫn liên tiếp nổ ra. Ngày 2/5/1882 Pháp ra lệnh cho Hăng Ri Rivie đánh chiếm Nam Định lần thứ 2. Lần này chúng gặp phải sự chống trả quyết liệt hơn lần trước, lực lượng tham gia đánh Pháp của nhân dân Thành Nam đông đảo hơn, nhất là có sự tham gia của một số quan lại và sĩ phu yêu nước. Nam Định rơi vào tay giặc Pháp lần thứ 2 tháng 7 năm 1883. Song cũng như lần thứ nhất phong trào chống Pháp không ngừng một ngày, các cuộc biểu tình, các cuộc khởi nghĩa của các phong trào như: Đông kinh nghĩa thục, phong trào công nhân và sự ra đời của các tổ chức cộng sản đã làm cho giặc Pháp không một ngày ăn ngon ngủ yên  ở đất Thành Nam và đó là tiền đề cho thắng lợi của cách mạng sau này.
Với một danh mục tài liệu sách tham khảo phong phú gồm 39 tài liệu tiếng Việt, 15 tài liệu tiếng Pháp cộng với vốn sống, vốn hiểu biết nhiều năm và với khả năng nghiên cứu chắt lọc tổng hợp khái quát các tư liệu, tác giả Vũ Ngọc Lý đã viết cuốn "Thành Nam xưa” với tất cả tấm lòng yêu quê hương, nơi mình đã sinh ra và lớn lên, đã trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử.
"Thành Nam xưa” thực sự là một công trình nghiên cứu có giá trị, tài liệu địa chí quý cho đời này và đời sau. Nó không chỉ cung cấp nhiều tư liệu, số liệu chính xác của Thành Nam xưa cho các nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị kinh tế xã hội, các nhà hoạch định các chính sách phát triển tương lai của Thành Nam nói riêng và cả nước nói chung mà nó còn là tác phẩm có tầm tư tưởng cao trong việc giáo dục truyền thống yêu nước yêu quê hương, hướng về cội nguồn cho mọi người. Chỉ có hiểu kỹ về quá khứ đau thương và hào hùng, tự hào về nó thì mới có suy nghĩ và hành động đúng cho hiện tại và tương lai tốt đẹp.
 

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 12
Hôm nay : 230
Tháng hiện tại : 27929
Tổng lượt truy cập : 1375471
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html