
Bùi Thị Hồng
(Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học xã Yên Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định)
Thưa các bạn!
Nam Định là vùng địa linh nhân kiệt, nơi phát tích vương triều Trần nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam về hào khí Đông A, từng ba lần đại phá quân Nguyên; Nơi sinh ra nhiều danh nhân cho đất nước như Thống soái Trần Hưng Đạo, Thượng tướng Trần Quang Khải, nhà thơ Trần Tế Xương và Trần Tuấn Khải, vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, Thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải... Các danh nhân không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Nam Định mà còn là niềm tự hào của cả nước.
Hôm nay, tôi vinh dự được giới thiệu với các bạn cuốn Danh nhân Nam Định thế kỷ XX được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, do Sở Văn hoá Thông tin Nam Định xuất bản năm 2001 với số lượng 1000 bản. Sách dày 252 trang, khổ 27 cm. Trang bìa được trình bày trang trọng với gam màu đỏ, nổi bật tên sách màu vàng viền trắng và biểu tượng bông sen trắng nhị vàng tượng trưng cho những gì tinh tuý, thanh tao và đáng trân trọng nhất.
Tác giả của cuốn sách là những nhà văn, nhà khoa học, nhà nghiên cứu... có tên tuổi như Chu Văn, Phương Lựu, Hà Đình Đức... đã góp phần làm nên giá trị đích thực của tác phẩm.
Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của 13 danh nhân Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt 1 năm 1996 và đợt 2 năm 2000. Nội dung sách chia hai phần:
- Phần đầu: Giới thiệu khái quát về nền văn hiến và truyền thống đất Nam Định, giới thiệu chung về Giải thưởng Hồ Chí Minh thông qua lời Tựa của ông Trần Trung Am, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh Nam Định và Lời giới thiệu của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm, Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin Nam Định. Tiếp sau là toàn văn hai Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng danh mục 77 công trình, cụm công trình, cụm tác phẩm đặc biệt xuất sắc trên lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học kỹ thuật được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996 và những tác phẩm của danh nhân Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000. Phần này giúp bạn đọc có cái nhìn tổng thể, bao quát về quy mô và ý nghĩa của Giải thưởng Hồ Chí Minh.
- Phần hai: Giải thưởng Hồ Chí Minh tác giả - tác phẩm là nội dung chủ yếu của cuốn sách. Phần này giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của 13 danh nhân Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc (Văn Cao), thơ ca ( Nguyễn Bính), văn xuôi (Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyên Hồng), kịch bản (Đào Hồng Cẩm), sử học (Trần Huy Liệu), văn hoá (Vũ Khiêu), sinh học (Đào Văn Tiến), nông nghiệp (Bùi Huy Đáp), y học (Đặng Vũ Hỷ), Kiến trúc (Nguyễn Cao Luyện), nhiếp ảnh (Vũ Năng An).
Trang đầu của cuốn sách là bức ảnh Bác Hồ trên mặt trận Đông Khê năm 1950 đầy ấn tượng. Chắc hẳn nhiều người biết bức ảnh này, nhưng không phải ai cũng biết về tác giả của bức ảnh đó. Mời bạn hãy đọc bài viết Nghệ sĩ Vũ Năng An của thạc sĩ Hoàng Dương Chương và Trần Mỹ Giống, bạn sẽ được biết về nhà điện ảnh, nhiếp ảnh Vũ Năng An, tác giả của bức ảnh trên với nhiều ảnh tư liệu lịch sử nổi tiếng về khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, về kháng chiến chống Pháp, về Bác Hồ... Năm 1950, Vũ Năng An được theo Bác Hồ đi chiến dịch Biên Giới. Sáng 16 - 9 Bác Hồ lên đài quan sát trên đỉnh núi Phia Lăng Đồn, theo dõi pháo binh ta nổ súng bắn vào cứ điểm quân Pháp ở Đông Khê. Vũ Năng An đã chớp được cái khoảnh khắc Bác Hồ đang tập trung quan sát trận đánh, gương mặt sống động, cương nghị, đầy suy nghĩ và tự tin, chiếc mũ vải đã sờn, quân phục nhàu, ống quần xắn cao, toát lên vẻ bình dị lạ thường... Ông chọn góc độ chụp hất từ dưới lên làm cho hình ảnh Bác Hồ cao vời vợi in trên nền trời, sừng sững như một pho tượng trên đỉnh Phia Lăng Đồn, thể hiện rõ nét hình tượng đẹp của vị lãnh tụ - vị tướng lĩnh tài ba của dân tộc. Bức ảnh Bác Hồ trên Mặt trận Đông Khê 1950 là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật và là tư liệu lịch sử quý báu, làm xúc động biết bao người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Vũ Năng An cũng chính là người được ghi nhận là tác giả bức chân dung đầu tiên Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đọc bài viết này bạn sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Vũ Năng An.
Ngày 17 - 8 - 1945, khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trước cửa Nhà hát lớn tại Hà Nội, bài Tiến quân ca vang lên như một trái bom, hàng ngàn người đồng thanh hát: Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc... Chính Hồ Chủ tịch đã chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca cho nước Việt nam mới và Quốc hội khoá I (1946) chính thức phê chuẩn Quốc ca. Năm 1993, một lần nữa Quốc hội khẳng định vị trí bất di bất dịch bài Quốc ca Việt Nam của nhạc sĩ Văn Cao, một người con được sinh ra trên mảnh đất Nam Định giàu truyền thống yêu nước và nổi tiếng là đất văn hiến. Chúng ta biết đến bài hát với những nốt nhạc, những lời ca hùng tráng, hừng hực khí thế cách mạng, cuốn hút lòng người... Vì sao Văn Cao viết được một ca khúc đầy khí thế cách mạng hào hùng như vậy? Bài "Tại sao tôi viết Tiến quân ca" của chính tác giả Văn Cao sẽ giúp bạn đọc giải đáp được câu hỏi này.
Bài "Nhạc sĩ Văn Cao” của thạc sĩ Hoàng Dương Chương và Trần Mỹ Giống giúp bạn đọc cảm nhận rõ thêm về chân dung của người nghệ sĩ đa tài này, một nghệ sĩ giỏi cả nhạc, họa, văn thơ nhưng nổi trội hơn cả là nhạc. Bài viết cũng giúp bạn hiểu được vì sao dư luận bạn đọc lại mệnh danh cho Văn Cao là "Bậc tài danh thế kỷ". Văn Cao đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt I năm 1996 về cụm ca khúc "Tiến quân ca", "Chiến sĩ Việt Nam", "Làng tôi", "Sông Lô", "Tiến về Hà Nội", "Ca ngợi Hồ Chủ tịch".
Và cứ thế, cuốn sách như là một từ điển - thư mục nhân vật giới thiệu với bạn đọc rất nhiều vấn đề lý thú xung quang các tác giả, tác phẩm, công trình nghiên cứu của những danh nhân Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh:
- Nhà thơ Nguyễn Bính biết làm thơ từ năm 13 tuổi, cống hiến cả đời cho cách mạng và cho nghệ thuật, sau bao nhiêu năm nếm trải cảnh "màn trời chiếu đất” để rồi:
Con người mới cuộc đời cũng mới
Khắp bốn phương lộng lẫy ánh sao cờ
Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc
Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu.
Chân dung nhà thơ "chân quê” rất đỗi thân thuộc với mỗi bạn đọc được nhà văn Chu Văn, người đã từng sống cùng Nguyễn Bính, thể hiện khá rõ nét qua giọng văn đầy yêu nhớ và kính trọng trong bài "Nhớ Nguyễn Bính”.
- Vào những năm 1970 - 1990, sân khấu kịch nói Việt Nam xuất hiện một số vở như "Chị Nhàn”, "Nổi gió”, "Nghị hụt ”... của Đào Hồng Cẩm đã in một dấu son không phai mờ trong lịch sử sân khấu Việt Nam và trong lòng khán giả yêu nghệ thuật. Những vở kịch của ông đã góp phần không nhỏ vào phản ánh hiện thực cách mạng và có ý nghĩa động viên rất lớn đối với quần chúng nhân dân. Các bạn muốn tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả mặc áo lính nổi tiếng này, mời đọc bài "nhà soạn kịch Đào Hồng Cẩm” của đạo diễn Trịnh Quang Khanh.
- Chân dung các danh nhân khác của Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng được khắc hoạ đậm nét, phong phú và đa dạng qua các bài viết như:
+ "Giáo sư Bùi Huy Đáp” của Nguyễn Thị Cảnh Dương thể hiện chân dung một nhà nông học hàng đầu của Việt Nam.
+ "Giáo sư Đặng Vũ Hỷ” của Nguyễn Công Hội viết về người đặt nền móng đầu tiên cho ngành da liễu Việt Nam.
+ "Giáo sư Vũ Khiêu” của Giáo sư Phương Lựu khắc hoạ gương mặt một học giả đa tài.
+ "Viện sĩ Trần Huy Liệu ” của Bùi Văn Tam.
+ "Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện” của Thạc sĩ Hoàng Dương Chương và Trần Mỹ Giống.
+ "Giáo sư Đào Văn Tiến” của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Đình Đức và Trần Quang Vinh.
+ "Nhà văn Nguyễn Thi ” của Ngô Thảo.
+ "Nhà văn Nguyên Hồng” của Trần Quang Vinh.
+ "Nhà văn Nguyễn Khải ” của Tống Đức Hiển.
Cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh được các tác giả thể hiện khá công phu và đậm nét. Mỗi danh nhân đều có cuộc đời riêng, tài năng riêng, trong những hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả đều hướng tới mục đích chung là cống hiến thật nhiều cho cách mạng và nền nghệ thuật nước nhà. Từ các bài viết, mỗi danh nhân hiện lên lấp lánh tài năng, toát lên nhân cách cao đẹp, đạo đức trong sáng, tinh thần vượt lên số phận để chiến thắng, để hoạt động sáng tạo, cống hiến cho đất nước những tác phẩm, những công trình giá trị. Mỗi một công trình, tác phẩm của các danh nhân được sáng tạo bằng cả tâm huyết, nước mắt, mồ hôi, chất xám và lòng yêu thiết tha nghệ thuật và khoa học, lòng trung thành cao độ với Đảng với nước, với dân.
Nội dung cuốn sách được bố cục mạch lạc, rõ ràng từng phần, từng chi tiết một cách lôgíc khoa học, đặc biệt thể hiện rõ ở phần hai của cuốn sách.
Phần này, các danh nhân được giới thiệu theo thứ tự vần chữ cái họ tên. Trong từng danh nhân đều có ba mục riêng biệt:
- Mục đầu tiên là bài viết về tiểu sử và sự nghiệp cũng như thư mục tác phẩm, công trình của danh nhân do nhiều tác giả khác nhau biên soạn.
- Mục thứ hai là tuyển một số tác phẩm, công trình tiêu biểu của danh nhân được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
- Mục cuối là các tài liệu tham khảo về danh nhân và về các tác phẩm, công trình của họ.
Cách bố cục trên đây giúp cho bạn đọc tra cứu rất thuận tiện, vừa nắm được một cách khái quát các vấn đề, vừa tìm hiểu được chi tiết về tác giả và tác phẩm.
Cuốn sách do nhiều tác giả biên soạn khác nhau nên rất phong phú và đa dạng về cách viết. Song nổi lên chung nhất là các tác giả đều viết với tấm lòng kính trọng và yêu quý danh nhân, các bài viết không dừng lại ở văn tư liệu thông thường, mà giọng văn đầy truyền cảm, từ ngữ chính xác dễ hiểu, có chiều sâu về ý tứ, chọn được nhiều chi tiết thú vị... đã khắc họa thành công chân dung của các danh nhân. Với kiến thức khá sâu về văn học, về nghệ thuật nhiếp ảnh và điện ảnh, về kiến trúc, về âm nhạc... các soạn giả phân tích sắc nét các tác phẩm và công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, góp phần làm rõ công lao to lớn của các danh nhân, làm cho bài viết có nội dung tốt và có tính nghệ thuật nên tạo ra sức hấp dẫn cuốn hút người đọc mạnh mẽ.
Thưa các bạn!
Với nội dung và nghệ thuật thể hiện như trên, cuốn Danh nhân Nam Định thế kỷ XX được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh thực sự là một tài liệu quý nhằm lưu danh những người có công với nước và đặc biệt có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục truyền thống, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đọc cuốn sách, chúng ta thêm tự hào, thêm yêu và gắn bó với quê hương đất nước. Cuốn sách cũng truyền cho chúng ta sức mạnh và động viên bạn đọc hãy noi theo gương sáng cha anh để cống hiến nhiều nhất cho Tổ quốc, quê hương. Chắc chắn đọc cuốn sách, các bạn sẽ thấy thú vị và nhận được trong đó nhiều điều bổ ích.
- "Thời áo lính" - Cuốn hồi ký trung thực
- Về cuốn sách “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định”
- Trà Lũ xã chí - Nguồn tưu liệu quý về lịch sử, văn hóa làng
- Giới thiệu sách: "Việt Nam lịch sử diễn ca" của Vũ Trung Chính
- Giới thiệu sách: "Lược khảo tác gia văn học Nam Định"
- Giới thiệu sách: "Thành Nam Xưa" - Vũ Ngọc Lý
- Giới thiệu sách: "Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định"



