Nam Định vốn nổi tiếng là đất học, đất văn. Người dân Nam Định ham học, ham đọc và trọng chữ nghĩa. Sách là một phần tất yếu làm nên nét đẹp văn hóa đó.
Thế nhưng gần đây, việc đọc sách có xu hướng chững lại, do nhiều nguyên nhân, đặt ra nhiều vấn đề về thái độ, về cách ứng xử của chúng ta với tri thức và sách vở. Thư viện Nam Định với vai trò là trung tâm lưu trữ, khai thác và sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc đưa sách đến gần hơn với bạn đọc để có thể giữ gìn và lan tỏa thói quen đọc sách từng là niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định.
Không thể đổ lỗi cho văn hóa nghe nhìn làm văn hóa đọc xuống cấp và đẩy thư viện đến trước rất nhiều khó khăn. Khoa học công nghệ phát triển, đó là xu hướng tất yếu. Nên thay vì lo lắng trước sức mạnh của các phương tiện, các kênh thông tin điện tử có thể khiến người dân không còn cần đến thư viện, thư viện Nam Định đã đặt ra cho mình yêu cầu phải năng động, sáng tạo hơn, nâng cao hiệu quả phục vụ, mở rộng và đa dạng phương thức hoạt động cho phù hợp, gắn bó với cộng đồng, với xã hội bền chặt. Năm 2012, Thư viện Nam Định đã xây dựng đề án và triển khai ứng dụng CNTT trong thư viện, xây dựng phòng đọc điện tử, hình thành trang thông tin điện tử. Nhờ đó, bên cạnh những dịch vụ thư viện truyền thống, Thư viện đã có thêm nhiều dịch vụ mới tiện ích đáp ứng được yêu cầu thông tin hiện đại: truy cập Internet, tra cứu trên mục lục điện tử… Không chỉ tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận tốt nhất nguồn lực thông tin trong và ngoài thư viện, thư viện Nam Định còn mở rộng được đối tượng phục vụ của mình. Bạn đọc ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể tra cứu, tìm kiếm thông tin về nguồn lực thư viện qua OPAC. Thư viện đã nhận được rất nhiều mail, nhiều cuộc điện thoại hỏi về vốn tài liệu của thư viện, đặc biệt là những thông tin địa chí. Vai trò cung cấp thông tin của thư viện được nâng cao. Uy tín, vị thế của thư viện ngày càng được củng cố. Đó là cách thư viện ứng xử với khó khăn, thử thách.
Trong xã hội thông tin, nói như Bill Gate thì “Thế giới trong mười đầu ngón tay”, chỉ cần một cứ click chuột thì cái gì cũng có, hoạt động thư viện gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Mặc dù vậy, và dù lượng bạn đọc có giảm hơn trước đây, Thư viện vẫn bền bỉ với sứ mệnh của mình, chú trọng xây dựng và phát triển nguồn lực thông tin, nỗ lực tìm kiếm, khai thác để mang sức sống mới cho sách báo truyền thống. Công tác bổ sung vẫn được tiến hành đều đặn, theo đúng quy trình chặt chẽ, đảm bảo chất lượng. Việc củng cố nội lực của mình thường xuyên, liên tục đã giúp thư viện hoàn toàn chủ động khi tiếp nhận yêu cầu tin của bạn đọc.
Thực tế thì việc bổ sung của hệ thống thư viện nói chung và thư viện Nam Định nói riêng cũng gặp rất nhiều khó khăn, khi giá sách tương đối cao, kinh phí lại có hạn. Mặt khác, sách lậu, sách kém chất lượng, in sai, làm ẩu, có nội dung chạy theo thị hiếu rẻ tiền… đang tràn lan, nên để đảm bảo nguồn tin chính thống, tin cậy, kịp thời… đòi hỏi thư viện phải có một chính sách bổ sung chặt chẽ. Việc bổ sung sách cũng mềm dẻo, linh hoạt hơn trước, không còn quá nhấn mạnh đến tỷ lệ sách theo quy định của một thư viện tổng hợp mà chú trọng đến yêu cầu thực tế của bạn đọc. Điều này đã giảm được đáng kể tình trạng sách “chết”, sách “phủ bụi”, gây lãng phí.
Công tác tuyên truyền giới thiệu sách được tăng cường. Nguồn lực thư viện được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc qua website, qua các ấn phẩm thông tin thư viện được phát hành đều đặn: thư mục giới thiệu sách mới, thư mục chuyên đề… Thư viện Nam Định cũng chủ động tổ chức hoạt động tuyên truyền triển lãm sách báo nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện chính trị…: triển lãm sách về Trường Sa - Hoàng Sa, triển lãm sách báo tư liệu chào mừng Đại hội Đảng và Bầu cử Quốc hội, Bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021… Đặc biệt, nhân ngày sách Việt Nam, Thư viện Nam Định đã tổ chức trưng bày khá quy mô với hình thức sáng tạo, đẹp, ấn tượng. Cùng với các hoạt động thiết thực khác, Ngày sách Việt Nam tổ chức tại thư viện Nam Định đã thu hút được sự quan tâm tìm đến của hàng trăm bạn đọc trong và ngoài thư viện, khơi dậy niềm hứng khởi đối với sách, tạo hiệu ứng xã hội tốt.
Ngoài ra, việc phục vụ ngoài thư viện cũng được Thư viện Nam Định chú trọng thông qua công tác luân chuyển sách báo xuống cơ sở. Năm 2015, thư viện đã đưa 7000 bản sách xuống 36 điểm bưu điện văn hóa xã và 10 trường học trên địa bàn tỉnh, tạo sự bình đẳng trong việc hưởng thụ sách báo của người dân, các tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm nhập vào cuộc sống một cách nhanh chóng; chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước được triển khai kịp thời.
Việc phát triển mạng lưới thư viện, phòng đọc cơ sở gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được thư viện Nam Định đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, thư viện đã hỗ trợ trang thiết bị, vốn tài liệu và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho 20 tủ sách xây dựng nông thôn mới: Tủ sách Thôn Lộng Đồng (xã Lộc An - TP. Nam Định), tủ sách thôn Tức Mạc (phường Lộc Vượng), tủ sách xóm Trung (xã Mỹ Xá), tủ sách thôn Liễu Nha (xã Mỹ Phúc), tủ sách thôn Tương Nam (xã Nam Thanh - huyện Nam Trực)…
Với những nỗ lực không ngừng, Thư viện Nam Định đã khẳng định được vai trò của một trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích của cộng đồng. Thực tế, tuy lượng bạn đọc là học sinh có giảm, nhưng thư viện vẫn có lượng bạn đọc thường xuyên tương đối ổn định. Mùa hè, phòng đọc thiếu nhi vẫn luôn kín chỗ. Có những người đã là bạn đọc của thư viện 20 năm nay, và con cháu họ cũng là bạn đọc của thư viện. Sách có thể không còn chiếm vai trò độc tôn trong đời sống tin thần của người dân nhưng sách vẫn có sức sống riềng của nó và tình yêu sách là tình yêu lặng lẽ nhưng bền lâu, không dễ thay đổi qua thăng trầm cuộc sống.
Giá trị của sách luôn được tôn vinh, khẳng định; sự cần thiết của sách trong đời sống tinh thần được nhấn mạnh - Người đọc đến với thư viện và cảm nhận rõ rệt điều đó, không phải chỉ nhờ những băng rôn, khẩu hiệu, những cuộc triển lãm quy mô. Tôi muốn nhắc tới những người truyền cảm hứng với tình yêu sách. Tôi thật sự ấn tượng bởi những cán bộ thư viện Nam Định. Họ am hiểu nguồn tư liệu họ có, và cả thị trường sách sôi động hiện nay. Họ nắm bắt yêu cầu tin, nhu cầu đọc và “gu” của bạn đọc khá nhanh. Họ không chỉ giúp bạn đọc tiếp cận, khai thác nguồn tài liệu có trong thư viện một cách hiệu quả mà còn truyền cảm hứng cho bạn đọc bởi lòng nhiệt huyết, sự am hiểu và sức đọc của họ. Không cần những diễn văn dài dòng, họ giới thiệu cho bạn đọc những cuốn sách hay, có giá trị bằng những cuộc trao đổi ngắn về chính những trải nghiệm của họ. Việc làm này, không chỉ thỏa mãn yêu cầu đọc, mà còn có thể định hướng, làm nảy sinh nhu cầu đọc. Đó là việc làm thiết thực, đầy thuyết phục, và hiệu quả, hơn bất cứ những sự cổ vũ chung chung nào. Họ làm việc đó hàng ngày: Giữ gìn và tôn vinh sách. Không chỉ bởi đó là CÔNG VIỆC, là NHIỆM VỤ của họ. Mà còn bởi tình yêu của họ đối với sách và mong muốn giữ thói quen đọc của người dân trên mảnh đất văn hiến này.
TỐNG HẠNH
- LAN TỎA TÌNH YÊU SÁCH TỪ CUỘC THI “ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC” TỈNH NAM ĐỊNH 2022
- Thư viện tỉnh Nam Định linh hoạt phương thức phục vụ bạn đọc, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19
- Vui hè tại Thư viện tỉnh Nam Định
- Thư viện Nam Định tăng cường công tác phục vụ bạn đọc thiếu nhi trong dịp hè
- Nam Định với sách hóa nông thôn
- Triển lãm báo xuân - Nơi hội tụ hương sắc Tết Việt
- Giao Thủy với công tác xã hội hóa hoạt động thư viện
- Thư viện tỉnh Nam Định với việc thỏa mãn và phát triển nhu cầu đọc của bạn đọc
- Hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật - Khoa học xã hội nhân văn của Thư viện tỉnh Nam Định
- Bước chuyển đổi trong công tác phân loại tài liệu tại thư viện tỉnh Nam Định



