Pháp lệnh Thư viện quy định bốn yếu tố cấu thành hoạt động thư viện là : vốn tài liệu, trụ sở trang thiết bị chuyên dùng, cán bộ thư viện, bạn đọc, trong đó vốn tài liệu là yếu tố đầu tiên trong bốn điều kiện thành lập thư viện. Công tác bổ sung là khâu đầu tiên quýyết định chất lượng của vốn tài liệu, quyết định chất lượng họat động của thư viện. Nếu bổ sung tốt chất lượng kho sách sẽ tốt, khả năng đáp ứng nhu cầu bạn đọc sẽ cao, sẽ thu hút đông đảo bạn đọc tới sử dụng sách thư viện. Nếu bổ sung sách không tốt, kho sách có thể lớn nhưng chất lượng sẽ không cao, ít người sử dụng, số sách nằm chết trên giá sẽ nhiều, hiệu quả xã hội vì thế sẽ thấp.
Ngày nay người ta thường nói nhiều đến thư viện điện tử nhưng dù ở mức độ điện tử hóa cao đến đâu thì cũng không hoàn toàn thay thế được các hình thức thư viện truyền thống. Vì vậy duy trì và phát triển kho sách vẫn và sẽ là công việc phải đặc biệt quan tâm. Để làm được điều đó khâu bổ sung phải tốt, mà công tác bổ sung liên quan đến nhu cầu người đọc, thị trường sách báo và cán bộ làm công tác bổ sung.
Người đọc thường có nhu cầu nhất định về sách báo. Nhu cầu đó thuộc về nghề nghiệp, học vấn, tuổi đời, môi trường xã hội và cả tâm lí cá nhân. Các yếu tố này chịu sự tác động của hoàn cảnh xã hội. Hiện nay nền kinh tế thị trường tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, con người sống trong điều kiện đó cũng thực tế hơn, nhu cầu đọc sách cũng không nằm ngoài quy luật chung đó. Nhịp độ cuộc sống khẩn trương hơn, hối hả hơn, con người dành thời gian cho việc đọc sách báo ít hơn, do vậy nhu cầu đọc sách thường hẹp hơn nhưng sâu hơn, sát với công việc và đời sống của họ. Điều này làm cho công tác bổ sung càng khó khăn hơn.
Thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú và đa dạng. Ngoài lượng sách của các nhà xuất bản, các cơ quan đoàn thể cũng in sách, trung ương xuất bản, địa phương xuất bản. Việc bán sách cũng nhiều hình thức, nhiều kiểu, trước đây chỉ có các cửa hàng của công ty phát hành sách mới bán sách thì bây giờ các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân cũng bán sách. Làm thế nào để lựa chọn được những cuốn sách hay, có giá trị, phù hợp với nhu cầu của bạn đọc trong một rừng sách như thế đòi hỏi người cán bộ làm công tác bổ sung phải thật sự nhiệt tình, tâm huyết với nghề nghiệp, biết băn khoăn day dứt trước kho sách to mà không quí, biết khổ tâm khi bạn đọc hỏi sách mà không có.
Thư viện tỉnh Nam Định được thành lập từ năm 1956, trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành, qua nhiều lần nhập và chia tách theo địa giới hành chính, vốn tài liệu của Thư viện có nhiều biến động, đến nay Thư viện tỉnh Nam Định có trên 12 vạn bản sách và khoảng gần 300 loại báo, tạp chí. Những năm 90 trở về trước 50% – 70% số sách là do Công ty Phát hành sách tỉnh cung cấp, 30 % là cán bộ bổ sung phải trực tiếp đi mua ở các nhà xuất bản, bình quân mỗi năm bổ sung được khoảng 8.000 bản sách. Đây là thời kì số lượng sách bổ sung tương đối lớn thỏa mãn được nhu cầu của bạn đọc. Từ năm 1990 đến nay việc bổ sung sách thường gián tiếp thông qua các danh mục gửi qua đường bưu điện, thuận lợi là cán bộ bổ sung không phải đi lại vất vả nhưng khó khăn là vì không đi chọn được trực tiếp nên một số sách có giá trị, sách tra cứu và việc bổ sung hoàn bị, bị hạn chế.
Đặc biệt những năm gần đây lượng sách bổ sung bị giảm vì giá cả sách tăng cao mà kinh phí cấp cho hoạt động thư viện còn khiêm tốn. Từ năm 2000 đến nay, bình quân kinh phí cho bổ sung sách mới đạt khoảng 80 triệu đồng/ năm. Từ thực tế đó, chủ trương của Ban lãnh đạo Thư viện tỉnh Nam Định là tăng số lượng tên sách, giảm số bản sách. Vì vậy việc nghiên cứu xác định nhu cầu của các đối tượng bạn đọc thông qua y kiến của các thủ thư cũng như thông qua phiếu điều tra là vô cùng cần thiết. Công tác bổ sung của Thư viện tỉnh Nam Định những năm qua về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của đông đảo bạn đọc, phục vụ công tác nghiên cứu và yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Trong điều kiện kinh phí eo hẹp, cán bộ làm công tác bổ sung phải tra trùng cẩn thận, đối chiếu và xác định nội dung ấn phẩm trên danh mục cũng như tiếp xúc trực tiếp xác định số lượng bản đã nhập, nhằm nâng cao chất lượng bổ sung, tránh tình trạng lãng phí. Thay vì mỗi tên sách bổ sung 5 bản như trước đây thì hiện nay mỗi tên sách chỉ bổ sung từ 2 – 3 bản, thậm chí 1 bản.
Ngoài nguồn bổ sung từ các nhà xuất bản, các nhà sách, các công ty phát hành sách, Thư viện tỉnh Nam Định còn chú trọng đến nguồn lưu chiểu. Sách lưu chiểu giữ vai trò khá quan trọng, đặc biệt với công tác địa chí. Bên cạnh đó Thư viện tỉnh Nam Định còn nhận được sách từ các nguồn : cho, biếu, tặng của các nhà xuất bản, các cơ quan xuất bản. Đặc biệt với chủ trương của Bộ Văn hóa Thông tin, thông qua Vụ Thư viện đã tài trợ cho Thư viện tỉnh một lượng sách không nhỏ để cấp cho các Thư viện huyện, tủ sách các Đồn Biên phòng và để xây dựng “Kho sách luân chuyển” xuống các huyện nhằm khai thác sử dụng tối đa vốn tài liệu. Thư viện tỉnh Nam Định cũng nhận được một số lượng sách lớn tiếng Anh từ nguồn tài trợ của Quỹ Châu Á để đưa vào Kho Ngoại văn phục vụ đông đảo bạn đọc.
Cùng với việc làm tốt công tác bổ sung bằng các nguồn hiện có trên thị trường, Thư viện tỉnh còn có chủ trương thu thập nguồn tài liệu từ các “tủ sách gia đình”, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học… Đây là nguồn tư liệu quí, hiếm. Trách nhiệm của người làm công tác thư viện là phát hiện, thuyết phục chủ sở hữu của những tư liệu đó để mua hoặc sao chụp, bổ sung vào vốn tài liệu của Thư viện nhằm bảo quản, lưu giữ lâu dài và phát huy giá trị của nó. Ngoài ra, cần bổ sung loại hình tài liệu: Luận án, luận văn, báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung nói về địa phương hoặc do người địa phương làm tác giả. Hiện nay nguồn tư liệu này ở Thư viện tỉnh còn hạn chế, việc sưu tầm còn gặp nhiều khó khăn. Thiết nghĩ nên dành một khoản kinh phí nhất định cho riêng hoạt động này. Trong tương lai với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, Thư viện tỉnh Nam Định cũng cần phải bổ sung tài liệu dưới dạng thông tin điện tử để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Mặc dù khó khăn rất nhiều về kinh phí nhưng Thư viện tỉnh Nam Định đã hết sức cố gắng bổ sung những môn loại sách phù hợp với từng đối tượng bạn đọc, với phương châm “Mỗi độc giả đều có sách và mỗi cuốn sách đều có độc giả của nó”. Vì vậy bạn đọc đến Thư viện ngày càng đông hơn, bình quân mỗi năm cấp được khoảng 2.500 thẻ, phục vụ 80.000 lượt bạn đọc với 250.000 lượt sách luân chuyển. Thư viện tỉnh đã góp phần vào việc nâng cao dân trí, xứng đáng là trung tâm văn hóa thông tin của tỉnh nhà.
L.T.S
- Thư viện tỉnh Nam Định tích cực phát huy giá trị tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội
- LAN TỎA TÌNH YÊU SÁCH TỪ CUỘC THI “ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC” TỈNH NAM ĐỊNH 2022
- Thư viện tỉnh Nam Định linh hoạt phương thức phục vụ bạn đọc, đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19
- Thư viện Nam Định tăng cường công tác phục vụ bạn đọc thiếu nhi trong dịp hè
- Triển lãm báo xuân - Nơi hội tụ hương sắc Tết Việt
- Giao Thủy với công tác xã hội hóa hoạt động thư viện
- Thư viện tỉnh Nam Định với việc thỏa mãn và phát triển nhu cầu đọc của bạn đọc
- Hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật - Khoa học xã hội nhân văn của Thư viện tỉnh Nam Định
- Bước chuyển đổi trong công tác phân loại tài liệu tại thư viện tỉnh Nam Định
- Vài nét về công tác địa chí ở Thư viện tỉnh Nam Định



