Người giữ lửa cho niềm ham đọc sách

Không hiểu sao bây giờ mọi người lại luôn có suy nghĩ văn hoá đọc đang xuống cấp, than thở việc văn hóa nghe nhìn lấn át văn hoá đọc. Trong khi đội ngũ sáng tác vẫn đông đảo và không ít người tâm huyết; hoạt động xuất bản ngày càng mở rộng; đặc biệt là sự quan tâm vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp trong việc tuyên truyền nhận thức, hướng tới xây dựng “xã hội đọc” nói chung, đẩy mạnh hoạt động thư viện nói riêng. Nhờ đó hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở đã và đang được chú trọng đầu tư và không ngừng phát triển. Khi chính sách xã hội hoá hoạt động thư viện được triển khai, đã có thêm nhiều thư viện, tủ sách tư nhân phục vụ cộng đồng, đưa sách báo đến gần người dân, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện đời sống tinh thần cho bà con. Và quan trọng, văn hoá đọc không thể mất còn nhờ rất nhiều những con người vô danh. Họ là những người bình thường, hàng ngày vẫn nặng gánh mưu sinh. Nhưng họ biết trân trọng sách vở bằng tình cảm thực sự, luôn giữ lửa, sưởi ấm và truyền tình yêu đó cho thế hệ sau bằng những việc làm, suy nghĩ giản đơn mà vô cùng ý nghĩa. Tôi vẫn nghĩ đó là cái “nghiệp” của họ, nếu không, không thể lý giải tại sao họ có thể thiết tha đến thế với việc xây dựng tủ sách; cất công sưu tầm, bỏ tiền túi ra bổ sung, làm giàu kho trí thức; tự mày mò, học hỏi cách tổ chức; phục vụ vô tư, không cút toan tính, rồi lôi cả vợ con tham gia vào “công cuộc” “vác tù và” ấy. Tôi đã gặp một người như thế… Đó là bác Đặng Văn Khảm ở xóm Đông Biên, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, Nam Định.

Bác bắt đầu nhận phụ trách Phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu từ cuối năm 1993. Khi ấy, Thư viện Hải Hậu cũng giống nhiều thư viện khác trong tỉnh, rộng hơn là trong toàn quốc gặp rất nhiều khó khăn. Đã có hàng loạt thư viện  phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Do kinh phí hạn hẹp, thiếu biên chế, cán bộ phải kiêm nhiệm nên Phòng đọc Thiếu nhi Hải Hậu không thể hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, nhu cầu đọc của bạn đọc nhỏ tuổi ở một huyện lá cờ đầu về văn hoá thông tin toàn quốc vẫn phát triển mạnh. Điều đó đã tạo một sức ép rất lớn đối với cơ quan văn hoá huyện.

Để duy trì phòng đọc thiếu nhi, các đồng chí lãnh đạo Phòng, Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Hải Hậu đã mạnh dạn thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Phòng đọc Thiếu nhi được giao cho bác xây dựng, quản lý  và duy trì.

“Nhận đấy, nhưng chỉ đơn giản vì ham mê công tác văn hoá và mong muốn góp phần xây dựng quê hương chứ tôi cũng chưa thể hình dung hết những việc mình phải làm…” – bác tâm sự.  Ngoài trụ sở được đặt tại phòng văn hoá huyện, bác hoàn toàn không nhận được kinh phí hỗ trợ nào từ nhà nước. Vốn sách ban đầu chỉ vẻn vẹn hơn ngàn cuốn các loại; Việc thu phí đọc thật sự chỉ mang tính chất tượng trưng (100 – 200 đ/ lượt đọc), chủ yếu để rèn cho các cháu có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, xây dựng tủ sách; Chuyên môn, nghiệp vụ thư viện chưa có… Bao nhiêu bộn bề để có thể tổ chức một kho sách cho khoa học, hợp lý. Không những thế, còn phải duy trì lâu dài và phát triển nó… “Khó khăn nhiều lắm!”- bác nói. Nhưng hơn ai hết, bác hiểu rõ sự cần thiết của sách vở với người dân quê bác, nhất là những “mầm non tương lai”. Bác đã tự học hỏi kinh nghiệm và nghiệp vụ thư viện ở các thư viện và các cơ sở cho thuê sách trong tỉnh tìm con đường phù hợp cho phòng đọc thiếu nhi Hải Hậu. Để có vốn sách đa dạng, phong phú thoả mãn được yêu cầu của  bạn đọc nhỏ tuổi, hàng tuần, bác đều lặn lội lên Nam Định, đến các nhà sách đầu mối đăng ký bổ sung, cập nhật thường xuyên 500 – 700 bản sách mới. Bác còn tích cực liên hệ mượn sách luân chuyển của thư viện huyện, thư viện tỉnh. Cần mẫn, từng chút một, với bao nhiêu tâm huyết, công sức, cho đến nay, phòng đọc của bác đã có gần 5 vạn bản sách. “Bằng ấy sách nếu tính lại, tôi cũng có thể gọi là tỷ phú!” – bác cười lạc quan khi tôi hỏi về vấn đề kinh tế gia đình.  “Một năm 365 ngày, tôi phục vụ 364,5 ngày, chỉ nghỉ mỗi sáng mùng 1 Tết, đều đặn như thế suốt gần 20 năm qua, với 300 - 500 lượt bạn đọc/ ngày”. Bên cạnh phục vụ đọc, Phòng đọc Thiếu nhi của bác còn kết hợp với các hoạt động phong phú mang tính cộng đồng khác như: giới thiệu sách, nói chuyện chuyên đề… giúp bạn đọc có những thông tin sát thực, tiếp cận và sử dụng kho sách được hiệu quả. Đây thật sự  là một điều ấn tượng không chỉ với một thư viện tư nhân. Bởi tôi biết, bây giờ, không ít thư viện thuộc hệ thống thư viện công cộng, được bao cấp 100%, vẫn chỉ là một kho chứa sách, mà tệ hơn, còn đang phủ bụi.

Tâm huyết của bác đã tác động tới cộng đồng. Bác luôn nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, Phòng, Trung tâm Văn hoá Thông tin, các cấp ngành trong huyện cũng như của Thư viện tỉnh Nam Định. Bên cạnh đó lòng ham học, khát khao tri thức của người dân Hải Hậu cũng như  ý thức về trách nhiệm gìn giữ danh hiệu “Lá cờ đầu về văn hoá toàn quốc” đã tạo mảnh đất tốt cho bác ươm mầm lòng say mê đọc sách…

Nghe bác nói về những việc mình làm, những trăn trở để mở mang, phát triển phòng đọc, sẻ chia mong muốn có thể đưa sách đến tận nơi phục vụ các cháu tật nguyền, các em có hoàn cảnh khó khăn… thật sự những người trong nghề như chúng tôi cũng cảm phục và có đôi chút xấu hổ khi bản thân không được tâm huyết thế. Và tôi tin, văn hoá đọc không thể mai một, bởi không có gì có thể thay thế sách vở, không cách tiếp nhận tri thức nào có thể lâu bền và giàu cảm xúc như đọc sách, và vì còn rất nhiều những người đang lặng lẽ nhen nhóm ngọn lửa yêu quý sách như bác Khảm…

          TỐNG HẠNH

Hỗ trợ
Liên kết web :
Đang online : 9
Hôm nay : 158
Tháng hiện tại : 2502
Tổng lượt truy cập : 1289625
http://huyenbi.net/Xem-ngay-tot-xau.html